Lòng Tham
Trong Bảng Mười Giới Răn, chín giới răn đầu đề cập đến hành động hay việc làm của con người. Trong đó một số Giới Răn là những điều chúng ta phải tuân hành như: tôn thờ Ðức Chúa Trời, tôn trọng ngày thánh của Chúa, hiếu kính cha mẹ. Những Giới Răn còn lại đề cập đến những hành động chúng ta phải tránh như không giết người, không tà dâm, không trộm cắp, v.v… Riêng Giới Răn Thứ Mười không nói đến việc làm nhưng nói đến thái độ, tấm lòng và tư tưởng bên trong con người. Giới Răn Thứ Mười nói đến vấn đề tham lam. Ðây không phải là tội cụ thể, rõ ràng, người chung quanh có thể nhìn thấy, nhưng là tội trong tư tưởng, không ai thấy. Luật pháp của xã hội loài người không kết án người có lòng tham nhưng đối với Ðức Chúa Trời tham lam là điều nghiêm trọng chúng ta phải tránh.
“Tham lam” là thèm muốn hay ham muốn những điều thuộc quyền sở hữu của người khác. Tham lam là muốn có những gì người khác có hay những gì thuộc về người khác. Một tác giả nọ định nghĩa tham lam như sau: “Tham lam là ham muốn những điều thuộc về người khác, là điều ta không có quyền lấy hoặc nắm giữ.” Tham lam rất nguy hiểm vì là nguồn gốc của mọi tội lỗi, là động cơ thúc đẩy con người phạm tất cả những tội mà Chúa nói đến trong chín Giới Răn kia. Khi trong lòng tham muốn, con người sẽ dùng những phương cách gian dối và tàn ác để đoạt lấy điều mình tham muốn. Những tội giết người, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối đều bắt nguồn từ lòng tham và là kết quả của lòng tham. Ðức Chúa Trời biết tham lam sẽ dẫn đến những việc làm tội lỗi, vì thế Chúa dạy: “Ngươi chớ tham lam.”
Theo tiêu chuẩn của Chúa, nếu ta mơ tưởng, ao ước những điều thuộc về người khác là ta đã phạm tội, dù ta chưa làm điều gì sai quấy. Ðiều này cho thấy, phạm tội trong tư tưởng cũng nghiêm trọng như phạm tội trong hành động. Biết lòng người là đen tối, xấu xa, Thánh Kinh dạy:
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất xấu xa: ai có thể biết được (Giê-rê-mi 17:9)
Chúa Giê-xu cũng phán:
Từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn (Ma-thi-ơ 15:19)
Chúa biết những tội giết người, tà dâm, trộm cướp đều bắt nguồn từ tấm lòng, từ những tư tưởng hư xấu, tham lam, vì vậy Ngài nhắc chúng ta chớ có lòng tham, đừng nuôi trong đầu tư tưởng muốn lấy về cho mình những gì thuộc quyền sở hữu của người khác. Nhìn vào những hành vi phạm pháp xảy ra hằng ngày trong xã hội, chúng ta phải đồng ý rằng tất cả đều phát xuất từ lòng tham, tham lam là hột giống sinh ra những tội lỗi đó. Vì lòng tham, người ta trộm cướp, vì lòng tham người ta lấy vợ/chồng của người khác và người ta cũng sẵn sàng giết nhau để đạt được điều mình tham muốn. Ðiều nguy hiểm hơn nữa là người tham lam không bao giờ thấy thỏa lòng, đúng là “lòng tham vô đáy” như chúng ta thường nghe.
Giới Răn Thứ Mười cho thấy Ðức Chúa Trời không chỉ nhìn thấy những hành động và việc làm của chúng ta nhưng Ngài thấu suốt tư tưởng của mỗi người. Chúa tạo dựng nên chúng ta nên Ngài biết rõ chúng ta. Những tư tưởng tham lam, những ham muốn xấu xa trong lòng chúng ta Chúa biết rõ, vì thế Chúa dạy: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.” Theo Giới Răn Thứ Mười, những điều thuộc về người khác mà chúng ta không được tham muốn gồm có: nhà cửa, vợ/chồng, đầy tớ, gia nhân, đàn súc vật và tất cả những gì thuộc quyền sở hữu của người đó. Ngày nay chúng ta có thể thêm vào bảng liệt kê này những điều khác như: xe cộ, tiền bạc, chức tước, danh vọng, tiếng tăm, quyền thế, v.v… là những điều người khác có hay của người khác.
Sống trong xã hội tư bản mà bảo không được ham mê hay mơ ước điều này điều kia hình như là đi ngược với nếp sống văn minh của thế kỷ 21 này. Xã hội tư bản chúng ta đang sống chú trọng đến vật chất và lối sống đua đòi, tham lam, muốn tích lũy mọi điều về cho mình. Những quảng cáo trên báo, trên các đài truyền thanh, truyền hình cũng như trên mạng lưới Internet chỉ nhắm vào một điều là khơi dậy lòng ham muốn trong lòng người, khiến người ta phải làm thế nào để mua để tìm cho được món hàng mình thấy trong quảng cáo. Có những món hàng, những vật dụng mà nếu không nghe nói đến, không thấy quảng cáo, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói là cần có. Nhưng một khi đã thấy, chúng ta thường nghĩ là mình cần có hay phải có điều đó để không bị thiệt thòi, không thua kém người khác. Vì thế Giới Răn Thứ Mười thật khó tuân giữ nhưng lại là giới răn chúng ta cần hiểu rõ và cần được nhắc nhở luôn luôn.
Nhìn vào Lời Chúa dạy và xét lại đời sống của chính mình, chúng ta cần tự hỏi: Có khi nào nhìn thấy điều người khác có mà tôi ham muốn đến nỗi phải lấy hoặc phải tìm cách để có giống như vậy thì mới bằng lòng không? Nếu thành thật, chúng ta phải nhận là có. Ngày nào còn hơi thở, còn có thể hoạt động hay làm việc là chúng ta còn lòng ham muốn. Có lẽ chúng ta không dám làm điều phạm pháp để có những gì mình muốn, nhưng nếu cơ hội đưa đến, nếu biết không ai thấy và không bị phạt, chúng ta sẽ không ngại đoạt lấy những điều mình ưa thích.
Một yếu tố khác, có thể giúp chúng ta biết mình có tham lam hay không, đó là hãy kiểm điểm xem mình có thỏa lòng hay không. Chúng ta cần tự hỏi: Tôi có bằng lòng, có thỏa nguyện với những gì tôi đang có không? Tôi có thỏa lòng với hoàn cảnh hiện tại, với người vợ/người chồng mà Chúa ban cho tôi? Thỏa lòng là ngược lại với tham muốn. Khi thỏa lòng chúng ta sẽ không tham muốn và khi còn tham muốn là chúng ta chưa thỏa lòng. Từ chỗ không thỏa lòng đến ham muốn và tham lam chỉ có một bước ngắn. Những người không thỏa lòng suốt đời sống trong bất hạnh vì không bao giờ thấy mình đầy đủ.
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành