Dối Trá
Làm chứng hay làm nhân chứng là nói lại hay kể lại những điều tai nghe mắt thấy. Làm chứng dối là nói lên hay khai ra những điều tai không thật sự nghe, mắt không thật sự nhìn thấy. Nói cách đơn giản, “làm chứng dối” hay “nói chứng dối” là nói lên lời chứng không có thật hay không đúng sự thật. Làm nhân chứng là điều chúng ta đối diện hằng ngày, trên những bình diện khác nhau: trong gia đình, trong sở làm, giữa bạn bè và người chung quanh, khi chúng ta cần nói lên điều mình biết và thấy để giúp giải quyết một nan đề nào đó. Chúng ta cũng có thể được mời làm nhân chứng trong một vụ kiện hay khi có một tai nạn xảy ra mà chúng ta chứng kiến. Giới Răn Thứ Chín dạy rằng, khi làm nhân chứng, dù là trước tòa án, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào, chúng ta không được nói dối nhưng phải nói đúng sự thật về những gì mình đã nghe và thấy. Làm nhân chứng là điều quan trọng và là một trách nhiệm lớn, vì nếu chúng ta làm chứng dối, cán cân công lý sẽ thiên lệch và có thể gây thiệt hại cho người vô tội. Chính vì tầm quan trọng của lời chứng mà Ðức Chúa Trời đã đề cập đến vấn đề làm nhân chứng trong bảng Mười Giới Răn. Quý vị có được mời làm nhân chứng bao giờ không? Khi một người mời ta làm nhân chứng, có thể người đó muốn ta nói thật những gì ta nghe hoặc thấy, nhưng cũng có khi người đó muốn ta nói lên những điều không thật để họ không bị buộc tội hoặc được một điều lợi nào đó. Tuy nhiên, khi làm nhân chứng chúng ta cần nhớ rằng mình phải nói thật, vì nếu nói những điều không đúng sự thật là chúng ta đã phạm giới răn của Chúa. Dù người liên hệ có thể không biết, nhưng chính chúng ta biết và Chúa biết.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có nhiều cơ hội làm nhân chứng, không những đứng trước tòa án để làm chứng những điều liên quan đến người khác nhưng chúng ta thường xuyên làm chứng những điều thuộc về chính mình, chẳng hạn như khi điền các giấy tờ về lý lịch cá nhân, về lương bổng, thuế má, về tình trạng sức khỏe, về công ăn việc làm, về tình cảnh gia đình, v.v… Chúng ta rất dễ bị cám dỗ làm chứng dối, tức là nói hay viết ra những điều không thật. Nhiều người viết vào văn kiện những điều không thật nhưng vẫn ký tên và xác nhận những điều đó là đúng sự thật mà không một chút áy náy, tất cả chỉ vì để được lợi cho mình. Khai báo những tai nạn không có thật để lãnh tiền bồi thường là điều rất nhiều người đã và đang làm hôm nay.
Có bao giờ quý vị làm nhân chứng cho người khác mà phải nói dối để giúp họ không? Chúng ta cần cẩn thận khi làm chứng bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, vì Lời Chúa dạy rõ ràng rằng, làm chứng dối là có tội, là phạm giới răn của Chúa và sẽ không tránh được những hậu quả tai hại. Có lẽ quý vị đã có lần gặp khó khăn vì lời chứng dối của người khác. Chúng ta đã thấy, biết bao nhiêu người vô tội vì một lời chứng dối mà trở nên người có tội và phải chịu tù đày gian khổ. Trong những xã hội mà quyền sống của con người không được tôn trọng, người dân nhiều khi bị bắt buộc làm chứng dối để nhà nước có cớ lên án người vô tội. Chẳng hạn như họ buộc trẻ con làm chứng dối để tố cáo cha mẹ, bắt học trò làm chứng dối để buộc tội thầy giáo, cô giáo. Những người cố tình làm chứng dối cũng như những người bắt người khác làm chứng dối đều sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình
Nếu chúng ta không muốn người khác nói lời chứng gian dối để gây tổn hại cho chúng ta, chúng ta cũng không nên làm chứng dối hay nói lên những điều không đúng sự thật để được lợi. Thực tế là, khi chúng ta nói những điều không có thật để được lợi, dù lợi lộc đó là tiền bạc, tài sản, danh tiếng hay bất cứ điều gì thì sự dối trá đó sẽ gây tổn hại cho người khác, và về lâu về dài, chính chúng ta là người bị thiệt hại. Một ví dụ cụ thể là nhiều người ngày nay bị thiệt thòi về nhiều mặt vì số tuổi trong giấy tờ nhỏ hơn tuổi thật.
Khi chúng ta thiếu chân thật trong lời chứng của mình, không chỉ một mình chúng ta hay một vài người bị tổn hại nhưng lắm khi gây thiệt hại cho hãng xưởng nơi chúng ta làm việc; thiệt hại cho cả một tổ chức, một hội đoàn, hay hội thánh, nơi chúng ta là một thành viên. Cũng có những lời chứng dối có thể gây tổn hại cho xã hội hay đất nước nơi chúng ta sinh sống. Tình trạng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ ngày nay đang ảnh hưởng tai hại trên toàn thế giới và đây chính là kết quả của những lời khai báo không đúng sự thật về tình trạng tài chánh của những người mua bán bất động sản. Những điều gian dối đem lại lợi lộc cho người này luôn luôn gây tổn hại cho người khác, trong một phương diện khác. Vì vậy chúng ta cần suy nghĩ lại trước khi làm chứng những điều không đúng sự thật để được lợi cho riêng mình.
Giới Răn Thứ Chín không chỉ dạy chúng ta phải nói thật khi đứng trước tòa án hay khi được mời làm nhân chứng cho một điều gì hay một người nào. Giới Răn này dạy chúng ta phải luôn luôn chân thật trong lời nói. Trong gia đình, chúng ta nên làm gì để dạy con cái vâng giữ Giới Răn của Chúa? Trước hết, là cha mẹ chúng ta phải luôn công bằng khi các con kiện cáo nhau. Ðừng thiên vị đứa con nào, dù đó là đứa con trai duy nhất hay đứa con gái duy nhất trong gia đình, dù đó là con đầu lòng hay con út, là đứa con ngoan ngoãn nhất, hay đứa con ốm yếu nhất. Cha mẹ phải đối xử công bằng trong mọi trường hợp, khi ban thưởng cũng như khi trừng phạt. Ðừng bao giờ nghe lời chứng dối hay lời phao vu của đứa con này về đứa con khác. Có người thương đứa con giống mình, hoặc thương đứa con học giỏi mà không thương những đứa khác. Có người thương con ruột và ghét con ghẻ, thương con trai mà ghét con gái hoặc thương con rể mà ghét con dâu. Khi chúng ta thương hoặc ghét một đứa con nào, nếu có ai nói điều gì không đúng với ý chúng ta về đứa con đó, chúng ta sẽ không tin. Và một khi đã thiên vị hay có thành kiến, chúng ta sẽ dễ nghe theo những lời vu cáo hay lời chứng dối.
Trong gia đình, con cái luôn luôn quan sát và bắt chước những điều cha mẹ làm. Nếu cha mẹ sống trong giả dối, con cái cũng sẽ trở nên người giả dối. Nếu cha mẹ đối xử với người chung quanh với lòng thành thật, bao dung và độ lượng, con cái sẽ bắt chước và trở nên những người chân thật, yêu thương, biết nghĩ đến phúc lợi của người khác. Không những chúng ta cần đối xử công bằng với những đứa con còn nhỏ mà với những đứa con đã lớn chúng ta cũng phải công bình, không thiên vị. Chúng ta thường nghe lời than phiền của các nàng dâu thường hay bị mẹ chồng, vì thành kiến, nghe những lời nói không đúng sự thật của người khác mà ghét con dâu, đối xử không tốt với con dâu. Anh chị em trong gia đình cũng có khi nói với cha mẹ những điều không tốt và không có thật của những anh chị em khác để hạ danh dự của người đó hay để khiến cha mẹ không thương người đó nữa. Trong bất cứ khung cảnh nào hay xã hội nào, việc làm nhân chứng cũng rất quan trọng. Một lời chứng không đúng sự thật có thể gây tổn hại không những cho một người, một gia đình nhưng có thể gây tổn hại cho cả một nhóm người hay nhiều thế hệ.
Căn bản của Giới Răn Thứ Chín là sự chân thật. Ðức Chúa Trời muốn con người trân quý sự thật; tìm kiếm sự thật; nói thật và sống trong chân thật. Làm chứng dối chỉ là một trong muôn ngàn cách nói dối. Không chỉ việc làm chứng dối bị Thánh Kinh lên án nhưng tất cả những hành động hay lời nói không thật đều bị Kinh Thánh lên án. Có thể chúng ta chưa làm chứng dối cho ai bao giờ nhưng còn nói dối thì sao? Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải nhận rằng mình đã nói dối nhiều lần. Trong xã hội đầy gian dối ngày nay, nhiều người xem gian dối là điều bình thường. Có người chủ trương rằng cứ nói dối cho được việc rồi hậu quả thế nào tính sau. Nhiều người còn nói rằng dối trá là cách khôn ngoan để sống còn trong xã hội và phải gian dối mới thành công, mới có thể thăng tiến, vượt hơn người khác. Dù chúng ta chủ trương hay lý luận thế nào, đối với Chúa nói dối là tội, và người cố tình phạm tội sẽ nhận lấy hậu quả dù có cố gắng biện hộ hay bào chữa cho việc gian dối mình làm.
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành