Mối Mọt
Thưa quý thính giả,
Một trong những hình ảnh chúng ta thường thấy ở các khu gia cư là thỉnh thoảng có những ngôi nhà có vải trùm kín hết cả căn nhà. Đó là những căn nhà được trùm lại để diệt mối. Mối, termite, là một sinh vật nhỏ nhưng có sức phá hại rất lớn. Một nguy hiểm khác nữa là sự phá hại của mối âm thầm, khó biết. Nhiều công trình hay vật dụng nhìn bên ngoài vẫn tốt đẹp nhưng bên trong đã bị mối ăn hoàn toàn, chỉ cần đụng nhẹ là sụp đổ.
Điều nầy cũng thật đúng trên lãnh vực tinh thần và đạo đức. Một xã hội nhìn bên ngoài thấy vẫn như tốt đẹp nhưng bên trong đã bị phá hủy hoàn toàn và không biết lúc nào sẽ sụp đổ. Chúng ta đang sống trong xã hội đó. Khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Chúng ta đang sống trên tuyệt đỉnh của văn minh nhân loại. Kinh tế dù gặp khó khăn nhưng vẫn phồn thịnh, mọi người đều an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ xã hội chúng ta lại có lối sống buông thả, thiếu đạo đức như hiện nay. Những tội phạm ngày trước mọi người ghê tởm, giờ đây là bình thường, mọi người đều chấp nhận.
Cần sa được hợp thức hóa, phá thai được gọi là quyền lợi của phụ nữ, hôn nhân đồng giới được chấp nhận và thay đổi phái tính là điều được khuyến khích. Người ta chẳng những sống như vậy mà xã hội còn đưa ra những đạo luật đi ngược lại với luân thường, đạo đức. Nước Mỹ mệnh danh là nước Cơ-đốc nhưng nay đã từ bỏ Thiên Chúa với chủ trương nhân bản, lấy con người làm gốc. Nói đúng hơn, con người là chủ, là trung tâm, không còn ý thức về Đấng Tối Cao. Nguy hiểm nhất của chủ trương nhân bản là chủ thuyết tương đối về đạo đức, cho rằng không có chân lý nào là tuyệt đối. Ai muốn sống thế nào cũng được, không ai có quyền phán xét ai. Người ta nói rằng, một điều có thể đúng với anh, áp dụng cho anh nhưng không đúng cho tôi, không áp dụng cho tôi.
Chính trong cái hư hoại về đạo đức, không có nền tảng chân lý mà xã hội sẽ sụp đổ dù bên ngoài thấy như tốt đẹp. Con mối đã cắn nát bên trong xã hội chúng ta đang sống. Như vậy thì chúng ta làm gì với xã hội nầy? Chúng ta phải sống như thế nào? Điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải công nhận có chân lý và quay lại với chân lý đó. Chúa Cứu Thế Giê-xu tuyên bố Ngài là chân lý. Chúa phán:
Ta là con đường, là chân lý, là nguồn sống. Chẳng bởi Ta, không ai được đến cùng Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)
Cùng trong một lời tuyên bố, chúng ta thấy những điều sau:
Chúa Giê-xu là giải pháp của vấn đề. Chúa phán “Ta là con đường.” “Con đường” nói đến giải pháp. Con đường là lối thoát. Con đường là phương tiện đưa dẫn chúng ta. Một người lạc lối trong sa mạc hay giữa rừng sâu, cần một con đường, cần một lối thoát để ra khỏi sa mạc hay rừng sâu thể nào thì nhân loại chúng ta cũng vậy. Chúng ta cần một con đường, một lối thoát, một giải pháp. Chúa Giê-xu không phải là người chỉ đường nhưng Chúa chính là con đường. Con đường để chúng ta trở về với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng chúng ta, là Cha của chúng ta. Như lời Chúa nói: “Chẳng bởi Ta, không ai được đến cùng Cha!” Không qua Chúa Giê-xu, không ai có thể đến với Thiên Chúa là cội nguồn của chúng ta.
Con đường đến với Thiên Chúa đã bị cắt đứt vì tội lỗi, một khoảng cách vô cùng rộng lớn, không ai có thể nối lại. Chúa Giê-xu đã nối lại con đường đó bằng chính mạng sống của Ngài khi Chúa chịu chết thay cho nhân loại trên thập giá. Chúa chết để làm con đường kết nối con người tội lỗi với Thiên Chúa thánh khiết. Chúa Giê-xu là con đường nhưng chúng ta phải bước đi trên con đường đó thì mới đến được với Đức Chúa Cha. Chúng ta bước trên con đường nầy với đức tin của chúng ta. Đó là đức tin nhận mình là tội nhân, ăn năn tội và tiếp nhận món quà cứu rỗi Chúa Giê-xu ban cho mình.
Chúa Giê-xu chẳng những là giải pháp, Ngài cũng là chân lý. Chân lý là sự thật, sự thật duy nhất. Chúng ta đang sống trong những ngày mà tin tức không còn là sự thật. Người ta nói đến tin nhảm, tin giả, fake news. Và rồi chúng ta không biết tin nào là tin thật, là sự thật nữa! Chúa Giê-xu là chân lý và Chúa phán:
Chân lý sẽ giải phóng các ngươi! (Phúc Âm Giăng 8:32)
Chân lý Chúa nói là Lời của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời là chân lý được trình bày trong Kinh Thánh. Chân lý đó là mọi người do Đức Chúa Trời tạo dựng, mọi người đều là con Thiên Chúa. Nhưng con người đã phạm tội, đã tẻ tách con đường của Thiên Chúa, đi con đường riêng của mình. Con đường tội lỗi như xã hội chúng ta đang sống. Lời Chúa cũng cho biết, Đức Chúa Trời đã cung ứng cho con người giải pháp cứu rỗi. Giải pháp đó là cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Con người chỉ cần tin nới Chúa sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ và cứu rỗi. Đó là chân lý, đó là Phúc Âm. Tiếp nhận hay không là quyền tự do của con người. Nhưng con người không thể thay đổi hậu quả cho mình nếu khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa như lời Kinh Thánh dạy:
Ai tin Đức Chúa Con thì được sự sống đời đời, ai không tin Đức Chúa Con sẽ không thấy sự sống nhưng cơn phẫn nộ của Thiên Chúa sẽ mãi ở trên người ấy (Phúc Âm Giăng 3:36)
Cơn phẫn nộ của Thiên Chúa nói đến hình phạt của Thiên Chúa vì bản tính thánh khiết của Ngài, không thể dung dưỡng tội lỗi. Bản tính thánh khiết của Thiên Chúa cũng giống như lửa. Lửa không còn là lửa nếu không đốt cháy!
Chúa Giê-xu là giải pháp, Chúa Giê-xu là chân lý. Chúa Giê-xu cũng là nguồn sống. Chúa Giê-xu là nguồn sống nghĩa là chúng ta không thật sự sống nếu không có Chúa. Chúa phán:
Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn (Phúc Âm Giăng 10:10)
“Sống sung mãn” là sống cuộc đời có ý nghĩa. Sống không phải chỉ là hiện hữu, chỉ là sinh tồn. Nhưng sống thật là sống một cuộc đời có ý nghĩa. Biết mình sống để làm gì và chết rồi sẽ đi về đâu. Chỉ trong Chúa Giê-xu chúng ta mới kinh nghiệm ý nghĩa đích thực của đời sống.
Chúng ta nói về những con mối đang cắn nát bên trong xã hội chúng ta đang sống. Chúng ta phải ý thức về tình trạng nầy và thay đổi lối sống của mình. Đức tin nơi Thiên Chúa qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu sẽ đem chúng ta trở lại với Thiên Chúa và ban cho chúng ta một đời sống có ý nghĩa giữa xã hội băng hoại.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành