Nan Đề Trong Hôn Nhân (Bài 3)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa dù đời sống khó khăn, bệnh dịch và tội lỗi vẫn lan tràn Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành được đến với quý vị hôm nay. Cầu xin Chúa gìn giữ quý vị và gia đình trong bình an của Ngài; xin Chúa cũng ban phước trên hôn nhân của quý vị; quan trọng hơn, cầu xin Chúa soi sáng mở lòng, để quý vị sớm đặt đức tin nơi Chúa và dâng đời sống mình, gia đình mình trong bàn tay chăm sóc gìn giữ của Chúa. Chúa Giê-xu hứa: “Ai đến với ta, ta không bỏ ra ngoài đâu.” Trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay chúng tôi xin chia xẻ thêm những nguyên tắc chúng ta cần áp dụng để giải quyết bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng. Nguyên tắc căn bản chúng ta cần thực hành là vâng lời Chúa dạy, “không để ý cái dằm trong mắt người phối ngẫu nhưng lấy cây đà trong mắt mình ra trước,” nghĩa là, chúng ta không chú ý vào lỗi lầm của người bạn đời nhưng thành thật nhìn vào chính mình, xem mình đã làm gì, nói gì, cư xử như thế nào khiến vợ chồng rơi vào hoàn cảnh “cơm không lành, canh không ngọt.”
Như chúng tôi chia sẻ trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, khi vợ chồng có chuyện bất hòa, không vui, điều đầu tiên chúng ta cần làm là: đến với Chúa cầu xin Chúa chỉ ra lỗi lầm, sai sót của chính mình. Chúng ta cần làm ba điều: (1) Ghi ra lỗi của mình mà Chúa chỉ ra. (2) Xưng tội với Chúa và cầu xin Chúa tha thứ. (3) Nhận lỗi và thành thật xin lỗi người phối ngẫu.
Khi vợ chồng có điều phiền giận nhau mà chúng ta nghĩ mình không có lỗi gì cả, Lời Chúa cho biết, chúng ta không thành thật với chính mình. Sứ đồ Giăng dạy:
“Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta” (I Giăng 1:8, BHĐ).
Vì vậy chúng ta cần đến với Chúa, xin Chúa chỉ cho ta thấy lỗi của mình. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi chia sẻ rằng, khi chúng ta thành thật xin Chúa chỉ ra lỗi lầm để ăn năn, sửa đổi, Chúa sẽ nhậm lời và sẽ chỉ cho ta thấy những sai phạm của mình trong vai trò làm vợ/làm chồng:
Ba điều Chúa sẽ chỉ cho chúng ta thấy là: (1) Chúng ta có lòng cay đắng, hay ghim lỗi, hay nhắc lại lỗi lầm của người bạn đời. (2) Thiếu lòng nhân từ thương xót, không tha thứ. (3) Không sống yêu thương như lời Chúa dạy. Về lỗi lầm thứ ba này, có lẽ chúng ta nghĩ: Vì thương nhau mình mới bước vào hôn nhân để đi chung đường đời với nhau, sao Chúa lại nói là mình thiếu yêu thương?
Thưa quý vị, tình yêu mà chúng ta thiếu trong đời sống vợ chồng không phải là tình yêu lãng mạn người ta thường mô tả trong văn thơ, âm nhạc, nhưng đây là tình yêu của Chúa, tình yêu thật, tình yêu hy sinh như Lời Kinh Thánh dạy. Chúa muốn vợ chồng chúng ta sống với nhau bằng tình yêu cao đẹp đó. Sứ đồ Phao-lô mô tả tình yêu thật với những đặc tính sau:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ganh tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.” (I Cô-rinh-tô 3:4-7, BHĐ).
Chúng ta có thể viết ra các đặc tính của tình yêu mà sứ đồ Phao-lô mô tả và so sánh cách mình cư xử với người bạn đời, chúng ta sẽ thấy mình có sống với nhau bằng tình yêu thật hay không.
Nếu sống với nhau bằng tình yêu thật, vợ chồng chúng ta sẽ thực hành Lời Chúa dạy, tức là chúng ta sẽ nhịn nhục, nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công nhưng vui trong sự thật. Chúng ta sẽ tha thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự và chịu đựng mọi sự. Đây là đặc điểm của một người toàn hảo, nếu vợ chồng chúng ta nương cậy vào sức của Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta sống với nhau trong tình yêu cao đẹp này.
So sánh cách cư xử của mình với tiêu chuẩn của Chúa, chúng ta sẽ thấy mình vấp váp và lỗi lầm nhiều, vì vậy chúng ta cần thực hành điều thứ hai, đó là:
- Xưng tội với Chúa và cầu xin Ngài tha thứ
Sau khi viết xuống những lỗi lầm mà Chúa chỉ ra, chúng ta không nên biện minh hay giải thích nhưng cần hạ mình công nhận đó là những lỗi lầm cần phải sửa đổi. Đây là bước quan trọng giúp cho nan đề được giải quyết nhanh chóng. Nếu chúng ta không nhận lỗi nhưng tự biện hộ, chẳng hạn nói rằng, sở dĩ mình nổi giận và nói nặng lời là vì người kia cằn nhằn, nói nhiều; người kia không giữ lời hứa, hoặc không lắng nghe, không chịu nhận lỗi, v.v… Nếu chúng ta lý luận như vậy, nan đề sẽ không giải quyết được mà còn có thể trở nên to lớn hơn. Vì vậy, chúng ta cần nhận những điều Chúa nhắc nhở là đúng, dù đó là điều chúng ta vô tình hay cố ý làm, khiến cho vợ hay chồng bị tổn thương và buồn giận. Bước kế tiếp là xưng tội với Chúa. Xưng tội nghĩa là nói lên cùng một điều với Chúa, nếu Chúa bảo điều chúng ta làm là tội, là không đúng với tiêu chuẩn của Chúa, chúng ta thành thật thưa với Chúa: Lạy Chúa, Chúa nói đúng, điều con làm là tội, con xin nhận tội và xin Chúa tha thứ cho con. Sứ đồ Giăng dạy:
“Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9).
Khi chúng ta thành thật nhận điều Chúa nói về mình là đúng, nhận rằng mình đã phạm tội với Chúa và với người bạn đời và hết lòng cầu xin Chúa tha thứ, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta như Lời Ngài phán hứa. Một điều quan trọng khác là, chúng ta sẵn sàng tiếp nhận ơn tha thứ của Chúa, không nên oán trách chính mình hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, hơnn nữa, chúng ta cầu xin Chúa thêm ơn sức, giúp chúng ta thực hành Lời Chúa dạy để hôn nhân được ngọt ngào tươi mới.
Sau khi tiếp nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta không buồn giận oán trách chính mình, trái lại, vui vẻ tiếp nhận ơn tha thứ để được Chúa ban cho lương tâm trong sạch.
- Nhận lỗi và thành thật xin lỗi người phối ngẫu
Xưng tội với Chúa và cầu xin Chúa tha thứ là điều dễ vì chúng ta biết Chúa là Đấng yêu thương nhân từ, sẵn sàng tha thứ cho chúng ta; nhưng nhận lỗi với người và xin lỗi người thì rất khó, nhất là với vợ hay chồng. Lý do đầu tiên là vì bản chất kiêu ngạo trong con người. Chúng ta sợ rằng khi mình nhận lỗi và xin lỗi, người kia sẽ lên mặt, cho họ là đúng và coi thường hay khinh chê chúng ta. Chúng ta không nên sợ bị coi thường, vì Kinh Thánh day:
“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6).
Chúa cũng dạy: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, Ngài sẽ nhấc anh em lên.” Người khiêm nhường không bị thiệt thòi nhưng được Chúa ban phước. Một lý do khác khiến chúng ta ngại, không muốn nhận lỗi và xin lỗi, là sợ người kia sẽ không tha thứ. Nếu chúng ta biết lỗi của mình và thành thật xin lỗi mà người bạn đời không chấp nhận và không tha thứ, người đó phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Tuy nhiên, để lời xin lỗi của chúng ta được người bạn đời tiếp nhận, thông cảm và tha thứ, chúng ta cần xin lỗi thành thật xin lỗi đúng lúc và đúng chỗ. Như chúng ta biết, lời trao đổi giữa chúng ta với người chung quanh gồm ba yếu tố quan trọng: Câu nói, giọng nói và cách nói. Vì vậy chúng ta cần nói lời xin lỗi êm dịu nhẹ nhàng, nói cách thành thật và nói đúng lúc, để người phối ngẫu có thể tiếp nhận, thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Khi chúng ta nhận lỗi và xin lỗi đúng chỗ đúng lúc, chắc chắn lời xin lỗi của chúng ta nói sẽ được tiếp nhận và đem lại kết quả tốt đẹp (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành