Sống Yêu Thương (Bài 1)
Kính chào quý thính giả,
Chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày những nguyên tắc Chúa dạy về cách sống với người bạn đời mà Chúa ban cho cuộc đời chúng ta, vì Chúa muốn tất cả vợ chồng gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời. Chúa Giê-xu dạy:
Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã kết hợp (Phúc Âm Ma-thi-ơ 19:6)
Để vợ chồng gắn bó với nhau suốt đời trong hạnh phúc bình an, chúng ta cần sống với nhau bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu vị tha, vô điều kiện, để đem lại phúc lợi cho người mình yêu. Khi có tình yêu của Chúa, vợ chồng chúng ta sẽ sống với nhau với lòng nhịn nhục, nhân từ, không ganh tị, không kiêu ngạo, không ghim lỗi nhưng sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm của nhau. Tuy nhiên, để người bạn đời cảm nhận được tình yêu đó, chúng ta phải tỏ bày qua lời nói, qua hành động cụ thể. Một trong những lý do khiến giữa vợ chồng có sự ngăn cách, hiểu lầm hoặc khó thông cảm nhau là vì hai bên thiếu trao đổi, thiếu trò chuyện, nói theo từ chuyên môn là vợ chồng thiếu đối thoại và vì thế thiếu thông cảm.
Đối thoại trong hôn nhân là điều rất quan trọng nhưng nhiều người không nghĩ đến hoặc không quan tâm. Một nhà tâm vấn hôn nhân nói: “Nếu tôi chỉ được nhắn nhủ các đôi bạn trẻ sắp bước vào hôn nhân một lời khuyên mà thôi thì lời khuyên đó là: ‘Đối thoại giữa vợ chồng rất quan trọng cho nên bằng mọi giá, các bạn phải giữ cho đường dây đối thoại giữa hai người được tốt đẹp luôn luôn.’” Vợ chồng trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau là điều quan trọng nên cũng có người nói như vầy: “Giòng máu trong cơ thể cần thiết và quan trọng đối với sự sống như thế nào thì đối thoại giữa vợ chồng cũng cần thiết và quan trọng như vậy. Nếu máu trong cơ thể bị tắc nghẽn chúng ta sẽ chết; tương tự như vậy, nếu đường dây đối thoại giữa vợ chồng không tốt đẹp nhưng bế tắc, hôn nhân đó sẽ khó có thể tồn tại.”
Chúng ta cần trao đổi, trò chuyện với người thân trong gia đình, nhất là với người bạn đời, để hiểu nhau, thông cảm nhau và nhờ đó gắn bó với nhau, nhưng đời sống lúc nào cũng bận rộn, với bao nhiêu việc phải làm, phải lo, nhiều khi không có đủ thì giờ để làm hết những việc cần làm mỗi ngày, làm sao vợ chồng có thì giờ trò chuyện với nhau? Không những thế, thời đại chúng ta đang sống hiện nay, gọi là thời đại tin học, the age of information, tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy ắp những thông tin: từ ti-vi, radio, từ cái cell phone của người chung quanh và của chính chúng ta nữa. Ngoài ra, những emails, Facebook gởi tới qua máy điện toán cũng khiến đầu óc chúng ta bận rộn với những tin tức về chiến tranh, chính trị, những lời nhắn tin, lời kêu gọi từ mọi phía. Con người ngày nay muốn trao đổi tin tức với mọi người mình quen biết nên đời sống trở nên bận rộn với những thông tin từ khắp nơi đổ dồn về đến nỗi chúng ta khó tìm được một nơi yên tịnh để tâm hồn thật sự lắng dịu nghỉ ngơi. Khi ngồi trong tiệm ăn, ngồi chờ xe bus hay ra biển hóng mát, chúng ta thấy người ta không trò chuyện với nhau nhưng mỗi người cầm cell phone để nói chuyện, nhắn tin hay xem hình ảnh, tin tức. Chính vì vậy mà có câu: với cái điện thoại di động, ngày nay chúng ta gần với người ở xa mà rất xa với người bên cạnh mình. Ngoài ra, những bận rộn trong trách nhiệm với gia đình cũng khiến vợ chồng không còn thì giờ yên tịnh để chia xẻ tâm tình hay trò chuyện với nhau như khi chưa cưới.
Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời tuyên bố:
Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thịt (Sáng thế ký 2:24, BHĐ)
Chúa Giê-xu nhắc lại lời tuyên bố này, Chúa phán:
Từ hồi ban đầu Đấng Tạo Hóa tạo nên người nam và người nữ, và phán: Vì lý do đó, người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một thịt (Phúc Âm Ma-thi-ơ 19:4-5)
Lời tuyên bố này cho thấy vợ và chồng phải gắn bó làm một: một đơn vị, một đời sống. Để thật sự kết hợp làm một trong mọi phương diện, chúng ta cần giữ cho đường dây đối thoại được thông thương, tức là phải dành thì giờ trò chuyện, trao đổi tâm tình, chia xẻ những gì mình suy nghĩ, vì nếu không, chúng ta không thể biết ý tưởng trong lòng nhau, vì thế sẽ khó thông cảm và hiệp một với nhau. Sứ đồ Phao-lô viết:
Ai biết được tư tưởng của con người nếu không phải là tâm linh ở trong chính người ấy? Cũng vậy, không ai có thể biết được ý tưởng của Đức Chúa Trời, ngoài Thánh Linh của Đức Chúa Trời (Thư I Cô-rinh-tô 2:11, BHĐ)
Nếu Đức Chúa Trời không bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, qua Đức Thánh Linh, chúng ta không thể biết những điều thuộc về Ngài. Tương tự như vậy, nếu vợ chồng không nói ra, không chia xẻ với nhau những điều suy nghĩ trong trí, trong lòng thì người phối ngẫu không thể biết chúng ta nghĩ gì, lo lắng hay mong ước điều gì. Có người nói: “Tôi quá biết chồng tôi/vợ tôi, nhiều chuyện chưa nói ra tôi đã biết rồi.” Thưa quý vị, có thể sau 40 năm, 50 năm chung sống, một số người có thể nói như vậy nhưng với những vợ chồng trẻ, mới sống với nhau năm, mười năm, không thể biết người kia suy nghĩ gì hay mong ước điều gì. Vì chúng ta không thể biết người bạn đời suy nghĩ gì, mong ước điều gì nên nếu muốn vợ chồng thông cảm với những cảm xúc buồn vui hay những mơ ước trong lòng, chúng ta phải nói, phải chia sẻ điều mình suy nghĩ.
Đối thoại là quyết định của ý chí, chúng ta phải muốn nói ra, phải chú tâm chia xẻ với nhau thì đường dây đối thoại mới được mở ra cách tốt đẹp. Chúng ta muốn đối thoại với vợ, với chồng hay không muốn, đó là quyết định của chúng ta, nhưng chúng ta không thể nói: “Tính tôi là như vậy, tôi không giỏi nói, không biết ăn nói nên tôi không muốn nói chuyện với ai hết.” Thật ra, trong thực tế những người sống nhiều về nội tâm, có nhiều điều suy nghĩ trong lòng nhưng không muốn nói ra hay chia xẻ với ai, ngay cả với người phối ngẫu. Những người này rất ít nói, hay đúng hơn, không có nhu cầu nói. Ngược lại cũng có những người nói nhiều, nghĩ gì hay có tư tưởng nào trong trí là phải nói ra ngay. Nan đề của người có tính ít nói là không thể nói hay không muốn nói ra những gì mình suy nghĩ. Người hay nói hoặc nói nhiều cũng có nan đề trong đối thoại, đó là không chịu lắng nghe, không kiên nhẫn lắng nghe. Để đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta cần thay đổi, cần tập nói lên những điều suy nghĩ trong lòng và cũng cần tập chú ý lắng nghe. Nói một cách khác, chúng ta không thể đổ lỗi cho tính ít nói hay tính nói nhiều của mình nhưng phải khắc phục bản tính đó và quyết định chia xẻ trao đổi với người bạn đời.
Về cách đối thoại giữa người này với người kia, sứ đồ Gia-cơ biết chúng ta hay đổ lỗi cho bản tính của mình nên ông khuyên:
Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều này: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Thư Gia-cơ 1:19, BHĐ)
Lời khuyên này hàm ý rằng, dù bản tính của anh chị em là gì, tất cả mỗi chúng ta đều phải mau nghe, chậm nói và chậm giận, tức là phải sẵn sàng lắng nghe, nghe đầy đủ rồi mới nói và không hay hay dễ nổi giận. Làm sao có thể thực hành lời dạy này? Sứ đồ Phao-lô viết:
Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi (Thư Phi-líp 4:13)
Khi chúng ta hết lòng nhờ Chúa giúp mình thực hành lời Chúa dạy, Ngài sẽ giúp chúng ta. Nhất là khi chúng ta thật lòng muốn sống đẹp lòng Chúa, muốn thực hành Lời Chúa dạy để vợ chồng thật sự kết hợp làm một và gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời trong yêu thương hạnh phúc, chắc chắn Chúa sẽ ban thêm sức, và giúp chúng ta thực hành Lời Chúa phán dạy, để hôn nhân được hạnh phúc, vợ chồng gắn bó cho đến cuối cuộc đời (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành