Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 21)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi trình bày chủ đề: “Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu” và gần đây, chia xẻ về tầm quan trọng của đối thoại giữa vợ chồng. Chúng ta biết rằng, để thật sự hiểu bạn bè hay người thân trong gia đình, chúng ta cần trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau, thành thật nói lên điều mình muốn nói hay cần nói. Trong hôn nhân, đối thoại lại càng quan trọng hơn, chúng ta cần trò chuyện thường xuyên thì vợ chồng mới hiểu nhau, tình yêu mới được sâu đậm và bền chặt.
Để đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta cần áp dụng hai nguyên tắc quan trọng:
- Thành thật nói lên điều mình muốn nói hay cần nói.
- Sẵn sàng chú ý lắng nghe, nghe để hiểu rõ điềungười bạn đời muốnnói.
Trong Câu Chuyên Gia Đình kỳ trước chúng tôi trình bày nguyên tắc đầu tiên, đó là:
Thành thật nói lên điều mình muốn nói và cần nói.
Hôm nay xin trình bày nguyên tắc thứ hai, đó là:
Chú ý lắng nghe và khi nghe, hãy hiểu đúng những gì mình nghe, đừng hiểu thêm hay đoán thêm những gì người kia không nói.
Trong đối thoại, nghe luôn luôn quan trọng hơn nói, chính vì vậy, Lời Chúa dạy rằng người nào cũng phải “Mau nghe mà chậm nói.” Lời dạy này hàm ý rằng khi trò chuyện với bất cứ người nào, chúng ta cũng cần chú ý lắng nghe, nghe đầy đủ, nghe đến nơi đến chốn rồi từ từ mới nói. Nếu người nói thành thật nói lên điều mình muốn nói mà người nghe không chú ý nghe hay nghe với định kiến, nghĩ rằng người kia chưa nói hay không cần nói mình cũng đã biết hết rồi, thì đối thoại giữa hai người sẽ không tốt đẹp.
Có người đã nói: “Thành thật nói lên điều mình muốn nói hay cần nói chỉ mới đạt được một phần trong tiến trình đối thoại, phần còn lại là ở nơi người nghe, người đó phải chú ý nghe, thật lòng lắng nghe để hiểu người đang nói muốn chia xẻ điều gì với mình.” Ngoài ra, khi vợ chồng trò chuyện với nhau, chúng ta không chỉ chú ý vào lời vợ/chồng mình nói nhưng cũng để ý đến cách nói, giọng nói, nét mặt và bộ điệu nữa. Nói bao giờ cũng dễ hơn là yên lặng lắng nghe, đó là lý do vì sao chúng ta thấy người nào cũng muốn nói chứ ít ai muốn yên lặng lắng nghe. Để thật sự quan tâm lắng nghe khi vợ hay chồng có điều muốn nói, chúng ta không chỉ nghe bằng đôi tai nhưng cũng nghe bằng đôi mắt, tức là để ý đến cử chỉ, nét mặt, bộ điệu v.v… để có thể hiểu điều vợ hay chồng mình muốn nói một cách thấu đáo, đầy đủ và trọn vẹn.
- Quan tâm, tìm hiểu xem vợ/chồng mình có đặc điểm gì trong cách đối thoại (cách nói năng, trò chuyện)
Các nhà tâm lý học cho biết, có ba nhóm người khác nhau trong cách diễn đạt tư tưởng hay những điều suy nghĩ trong trí:
(1) Những người bén nhạy với lời nói
Tức là khi nghe ai nói gì là hiểu ngay và hiểu rất là sâu sắc. Những người này thích trò chuyện, trao đổi điều mình suy nghĩ bằng lời nói, họ dùng những từ rất hay, rất chính xác và cũng cẩn thận khi dùng những từ khác nhau để trình bày điều mình suy nghĩ với người khác. Nếu vợ hay chồng chúng ta là người bén nhạy với lời nói như vậy thì lời nói rất quan trọng đối với người đó, người đó mong muốn và cần được nghe chúng ta nói lời yêu thương. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên bày tỏ yêu thương bằng lời nói. Không gì đem lại niềm vui cho người bén nhạy với lời nói cho bằng được nghe vợ hay chồng nói lời yêu thương với mình. Đối với những người này, lời nói ngọt ngào yêu thương là món quà quý, là điều người đó trông mong. Đa số phụ nữ thuộc vào nhóm người này.
(2) Những người bén nhạy với hình ảnh, với những gì mắt nhìn thấy
Những người này cũng thích nghe lời yêu thương nhưng muốn thấy những lời yêu thương đó biểu lộ qua hành động hay những gì cụ thể, có thể nhìn thấy rõ ràng. Ví dụ chồng nói thương vợ thì phải giúp đỡ việc nhà, giúp chăm sóc con cái, phải có quà tặng, v.v… tức là phải có những điều cụ thể, đi đôi với lời nói yêu thương. Đa số quý ông thuộc vào nhóm người này, vì vậy khi vợ nói lời yêu thương mà thái độ, cử chỉ hay nét mặt không biểu lộ tình thương sẽ không có ý nghĩa.
(3) Nhóm thứ ba là những người bén nhạy với cảm xúc
Nhóm người này không truyền đạt tư tưởng hay biểu lộ suy nghĩ nhiều bằng lời nói và hành động nhưng bằng cảm xúc, qua cái nhìn, cái siết tay, hay sự ôm ấp vỗ về. Với nhóm người này không cần nói nhiều nhưng với cử chỉ ngọt ngào yêu thương, qua thái độ hay ánh mắt quan tâm chăm sóc, người đó sẽ cảm nhận sâu xa tình thương yêu người phối ngẫu dành cho mình.
Mong rằng chúng ta sẽ để ý, để tâm quan sát và suy nghĩ để biết người bạn đời của mình thuộc vào nhóm người nào,có đặc điểm gì trong cách đối thoại, để vợ chồng hiểu nhau hơn và sẽ có đối thoại tốt đẹp, hầu hôn nhân mà Chúa ban cho chúng ta được ngọt ngào tốt đẹp.
Thiên Chúa tạo dựng con người rất đặc biệt, con người cần tình yêu, sẵn sàng đáp ứng lại với tình yêu, vì vậy chúng ta có thể cải thiện đối thoại giữa vợ chồng mình bằng cách làm thế nào để người phối ngẫu có thể cảm nhận được cách rõ ràng sâu xa tình yêu của chúng ta. Chúng ta đừng ngại nói lời yêu thương hay bày tỏ hành động yêu thương với người mà Chúa đã ban cho cuộc đời mình. Chúa muốn chúng ta bắt chước Ngài, bày tỏ tình yêu thương cách cụ thể như Ngài đã bày tỏ tình yêu cho nhân loại qua cái chết đau thương trên thập giá. Chúa Giê-xu truyền dạy: “Các con hãy yêu nhau như ta đã yêu các con.”
Ngoài ra, như chúng ta đã kinh nghiệm, đó là nhiều khi vợ chồng yêu nhau nhưng không thật sự hiểu nhau. Lý do là vì nam và nữ có cách suy nghĩ cũng như cách diễn tả điều mình suy nghĩ rất khác nhau, vì vậy nhiều khi vợ chồng nói chuyện mà không hiểy ý nhau hay hiểu lầm nhau. Các nhà tâm lý học khi nghiên cứu về cách nói năng và suy nghĩ của phái nam và phái nữ đã đưa ra kết luận như sau: Nam và nữ có rất nhiều khác biệt trong cách suy nghĩ cũng như cách bày tỏ điều mình suy nghĩ, vì vậy chúng ta cần biết những khác nhau này để vợ chồng hiểu nhau, chấp nhận nhau và thông cảm với nhau.
- Phái nữ thường sống nhiều về tình cảm và cảm xúc còn phái nam thì sống theo lý trí nhiều hơn. Chính vì vậy các bà dễ buồn, dễ khóc còn quý ông thì có vẻ như khô khan, không có tình cảm.
- Khi nói, các bà các cô thường dùng ngôn từ để diễn đạt cảm xúc, còn các ông dùng ngôn từ để diễn đạt tư tưởng và chia xẻ thông tin.
- Khi nghe, phái nữ không chỉ nghe lời nói và cách nói nhưng cũng để ý đến những yếu tố liên quan đến cảm xúc. Các ông thường chỉ nghe để thu thập tin tức hay dữ kiện chứ thường không để ý đến cảm xúc của người nói.
- Các bà các cô thường bén nhạy và dễ động lòng hơn các ông: khi nghe điều gì thì thường nghĩ đó là nói về mình, chạm tới mình, quý ông thì ít tự ái hơn nên không nghĩ là người ta nói mình, vì vậy lời nói của người khác thường ít chạm đến quý ông, quý ông không nhạy cảm hay bị chạm đến tự ái nhiều như quý bà. Vì nam nữ khác nhau như vậy nên đối thoại giữa vợ chồng thường dễ gặp nan đề. Còn một số khác biệt nữa giữa nam và nữ trong cách suy nghĩ, nói năng, cũng như cách giải quyết nan đề, chúng tôi sẽ trình bày trongCâu Chuyện Gia Đìnhkỳ tới. Kính mời quý vị nhớ đón nghe.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành