Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 25)

Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui vì lại được thưa chuyện với Quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong tiết mục Câu Chuyện Gia Đình gần đây, chúng tôi nói về “Đối Thoại trong Hôn Nhân,” đặc biệt nói về tầm quan trọng của việc vợ chồng trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau.
Như chúng ta đã biết, nam và nữ khác nhau về nhiều điều, trong nhiều phương diện, nhất là trong cách suy nghĩ và cách bày tỏ điều mình suy nghĩ, vì vậy khi vợ chồng nói chuyện hay chia xẻ với nhau điều mình suy nghĩ, nhiều khi không hiểu nhau hoặc hiểu không đúng điều vợ hay chồng muốn nói, và vì vậy có thể buồn nhau hay phiền giận nhau. Một số vợ chồng vì muốn tránh bất đồng ý kiến hay tránh làm phiền đến nhau nên họ chủ trương vợ chồng sống độc lập: đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Vợ hoặc chồng muốn đi đâu, làm gì cũng được, mỗi người tự quyết định cho mình, không ai tùy thuộc vào ai. Những đôi vợ chồng chủ trương độc lập như vậy vẫn sống bên cạnh nhau nhưng hai người chẳng khác gì hai thanh sắt của đường rầy xe lửa, cùng đi bên nhau nhưng không thật sự liên kết với nhau, cũng không có sự gần gũi thân thiết. Ngoài ra, trong trường hợp giữa hai vợ chồng chỉ một người: vợ hoặc chồng, có quyền nói lên ý kiến của mình và có quyền quyết định, còn người kia lúc nào cũng phải đồng ý, thuận phục hay vâng theo trong mọi sự, thì hôn nhân đó dù không có xung đột hay bất hòa, cũng không hiệp một và không thật sự hạnh phúc. Nếu muốn vợ chồng thật sự biết nhau, yêu thương, thông cảm và hiệp làm một như mẫu mực Đức Chúa Trời truyền dạy khi Ngài thiết lập hôn nhân, chúng ta không nên để giữa vợ chồng có một khoảng cách nào nhưng trái lại, vợ chồng chia xẻ với nhau tất cả mọi điều và tùy thuộc nhau trong mọi phương diện: tình cảm, tinh thần, vật chất và nhất là về mặt tâm linh, tức là mặt đức tin.
Thật ra, có thể nói, hôn nhân nào cũng có nan đề, hôn nhân của người trẻ tuổi cũng như người lớn tuổi; hôn nhân của người thuộc dân tộc nào, văn hóa nào, Đông phương hay Tây phương, người sống trong xã hội văn minh tiến bộ hay xã hội chậm tiến cũng có nan đề; và có thể nói, các nan đề đó đại loại giống nhau. Nói như thế có nghĩa là không vợ chồng nào sống chung với nhau, ở gần bên nhau hết ngày này sang ngày khác mà không có nan đề, dù là nan đề lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay đơn giản, không ai có thể tránh được. Lý do là vì chúng ta là con người bất toàn, và dù yêu nhau bao nhiêu, cũng không tránh được những lúc làm buồn lòng nhau. Điều quan trọng không phải là vợ chồng có nan đề hay không, nhưng là chúng ta biết mình phải đối diện hay giải quyết những nan đề đó như thế nào. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy về việc đối diện với nan đề và thử thách trong đời sống như sau. Sứ đồ Gia-cơ khuyên:
Hỡi anh em của tôi, hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì (Thư Gia-cơ 1:2-4, BHĐ)
Tại sao Chúa bảo chúng ta phải xem những thử thách, khó khăn xảy đến trong đời sống là điều vui mừng? Vì những điều đó đem lại lợi ích cho chúng ta: Thử thách khó khăn sẽ giúp chúng ta tính kiên nhẫn, để chịu đựng khó khăn gian khổ, và lòng kiên nhẫn, chấp nhận khó khăn gian khổ sẽ giúp ta trở nên người trưởng thành và khôn ngoan.
Vì vậy, khi vợ chồng gặp nan đề hay có chuyện bất đồng ý kiến trong cách sống, cách cư xử hằng ngày, đó không phải là tội. Khi vợ chồng có những điều căng thẳng, bất đồng ý kiến hay có vấn đề phải bàn thảo để tìm một giải pháp chung cũng không có nghĩa là hôn nhân đó sẽ đi đến đổ vỡ. Thật ra những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng lắm khi là điều tốt chứ không phải luôn luôn xấu. Bất hòa tốt hay bất đồng ý kiến tốt là khi những điều đó có tính cách xây dựng, giúp vợ chồng nhìn thấy vấn đề hay nhìn thấy chính mình, để rồi hiểu nhau, thông cảm với nhau hơn, và đưa đến kết quả tốt đẹp, là giúp cho hôn nhân được vững bền. Ngược lại, những bất hòa hay xung đột không chính đáng sẽ làm mất đi sự hiệp nhất, giết chết tình cảm vợ chồng dành cho nhau. Điều quan trọng là, khi thấy vợ chồng mình có điều hiểu lầm nhau hay bất đồng ý kiến với nhau, chúng ta không nên bỏ cuộc, nản lòng, nghĩ rằng mình đã lấy lầm người nên mới có vấn đề. Trái lại, khi nan đề xảy ra vì vợ chồng không hiểu ý nhau, hiểu lầm nhau, hay vì người này thiếu thông cảm với người kia, v.v… chúng ta cần bình tĩnh và kiên nhẫn, nhìn lại xem nguyên nhân chính của nan đề là gì, hay tìm hiểu xem tại sao giữa vợ chồng mình có nan đề, để rồi cùng giúp nhau tìm một giải pháp hay tìm câu trả lời cho nan đề đó. Điều quan trọng cần tránh khi có nan đề là, chúng ta không đổ lỗi cho nhau nhưng nhớ rằng chính mình cũng có lỗi, cũng đã làm điều gì đó khiến nan đề hay hiểu lầm xảy ra.
Mục sư Ed Young, tác giả quyển sách tựa đề “Mười Giới Răn Cho Hôn Nhân” nói rằng, để không gây tổn thương cho nhau khi vợ chồng có điều bất hòa, chúng ta cần tránh bảy điều sau đây:
- Không đè nén hay che giấu buồn giận trước những sự việc nghiêm trọng, cần biểu lộ phiền giận.
- Không phản ứng quá đáng, nhất là tránh những hành độnghay lời nói làm tổn thương nhau.
- Không đem chuyện riêng tư của vợ chồng nói ra nơi công cộng, hay nói cho nhiều người biết.
- Đừng dồn chính mình vào ‘chân tường’ khi tuyên bố, nói những điều mình không thể làm được.
- Đừng tự “rút vào vỏ ốc,” im lặng không nói, không biểu lộ hay bày tỏ cảm xúc để tránh xung đột.
- Đừng làm lớn chuyện: nói quá đáng, quá nhiều, về những điều nhỏ nhặt không đáng.
- Đừng dùng nhu cầu hay tình yêu chăn gối làm ‘vũ khí’ để điều khiển vợ hay chồng theo ý mình.
Chúng tôi xin trình bày chi tiết những điều này như sau:
Không đè nén hay che giấu buồn giận trước những sai sót nghiêm trọng, cần bày tỏ phiền giận.
Như chúng ta đã thấy, vì vợ và chồng đều là con người yếu đuối bất toàn nên khi sống chung với nhau hết ngày này sang ngày khác sẽ không tránh được những lúc làm buồn lòng nhau hay gây tổn thương cho nhau. Khi những điều không vui đó xảy ra, chúng ta không nên che giấu sự bực bội, buồn phiền trong lòng, làm bộ bình thản như không có chuyện gì xảy ra, hoặc trong lòng thì phiền giận nhưng giả vờ như là việc xảy ra không có ảnh hưởng gì đến mình. Khi một người đè nén hay che giấu sự buồn giận như thế, người kia sẽ không biết lỗi lầm hay sai sót của mình để ăn năn, sửa đổi. Vì lý do đó, người buồn giận mà không bày tỏ ra sẽ càng buồn giận hơn, khiến nan đề trở thành to lớn và càng khó giải quyết hơn (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành