Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 9)
Kính chào quý thính giả, một lần nữa, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành. Trong tiết mục này thời gian qua chúng tôi nói về “Tiêu Chuẩn cho một Hôn Nhân Bền Lâu,” và hôm nay xin trình bày tiếp đề tài “Dứt khoát để hiệp một.” Như chúng ta đã thấy, viên đá đầu tiên làm nền tảng cho hôn nhân là: vợ chồng không ích kỷ, nhưng luôn quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc của nhau. Nguyên tắc hay nền tảng thứ hai cho hôn nhân là Dứt khoát để Hiệp Một, nghĩa là loại bỏ những thói quen, nếp sống của người độc thân để bước vào đời sống gia đình. Khi lập gia đình, chúng ta phải bỏ đi hoặc thay đổi một số điều trong đời sống độc thân ngày trước thì vợ chồng mới thật sự hiệp một và hôn nhân mới hạnh phúc.
Sau khi cưới nhau và ra riêng, đôi vợ chồng mới nên cố gắng không lệ thuộc cha mẹ về mặt tiền bạc và những vấn đề liên quan đến gia đình mới của mình, cũng nên giới hạn thì giờ dành cho bạn bè cũ, đặc biệt là những người bạn độc thân. Ngoài ra, sở thích hay một đam mê nào đó của thời độc thân, như thính xem các trận thi đấu, tranh tài thể thao, v.v… cũng có thể chiếm nhiều thì giờ và khiến vợ chồng không có thì giờ cho nhau. Vì vậy, nếu thấy bất cứ điều gì, trong bất cứ phương diện nào, có thể cản trở sự hiệp một hay lấy mất thì giờ vợ chồng dành cho nhau, thì chúng ta cần thay đổi: loại bỏ hay rời xa những điều đó. Không chỉ vợ chồng trẻ cần tách rời khỏi những ràng buộc của nếp sống ngày còn độc thân hay những ràng buộc với gia đình cha mẹ, nhưng người lập gia đình đã lâu cũng cần xét lại những điều này. Vợ chồng trong tuổi nào cũng cần kết hợp làm một, vì vậy chúng ta cần nhìn lại hôn nhân của mình, để không điều gì hay người nào có thể chen vào, khiến vợ chồng ngăn cách hay thiếu hiệp nhất. Nhiều khi vì phải làm việc quá nhiều giờ mỗi ngày hay vì trách nhiệm trong công việc, phải vắng nhà quá lâu hay đi xa quá thường xuyên, cũng là yếu tố khiến vợ chồng ngăn cách, không có thì giờ cho nhau nên gia đình sẽ thiếu niềm vui, thiếu hiệp một, những lúc đó vì cô đơn chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ, khiến đời sống hôn nhân trở thành nhàm chán và dễ đi đến gãy đổ.
Ngoài ra, người bước vào hôn nhân không những cần tách rời khỏi những ràng buộc của thói quen cũ và bạn bè thời độc thân nhưng cũng cần loại ra khỏi tâm trí và đời sống hình ảnh người yêu cũ hay bạn trai/bạn gái cũ. Có lẽ quý vị cũng nghe câu: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.” hoặc: “Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.” Những gì đã mất, không còn tìm lại được thì chúng ta thường quý và nuối tiếc, muốn tìm lại, muốn ôm giữ. Tâm lý chung của con người là: không trân quý những gì mình đang có nhưng nghĩ đến và tiếc nhớ những gì mình đã mất. Nhất là khi yêu mà không được đi chung đường đời với người mình yêu, chúng ta sẽ nhớ nhau, nghĩ đến nhau với lòng nuối tiếc. Đây là điều vô cùng nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình. Khi không thỏa nguyện với người mình đang chung sống nhưng cứ tưởng nhớ đến một hình bóng cũ, hay người yêu cũ, sẽ dễ dàng đưa chúng ta đến chỗ ngoại tình: ngoại tình trong tư tưởng hoặc mơ ước được nối lại quan hệ tình cảm với người xưa, điều này thường xảy ra khi hôn nhân không vui, vợ chồng không hiệp một, hay không còn tình yêu dành cho nhau. Khi nhớ hay tiếc nuối người yêu cũ chúng ta sẽ so sánh để rồi càng tiếc nuối, càng ân hận và cuối cùng, không thỏa nguyện với người mình đã quyết định đi chung đường đời. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng mọi tội lỗi đều phát xuất từ tư tưởng, từ những điều ta ôm ấp trong tâm trí, và thường là những tư tưởng sai quấy, không trong sạch. Sứ đồ Gia-cơ viết:
Mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ. Khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi, tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết (Thư Gia-cơ 1:14-15, BHĐ)
Vì vậy, trước khi bước vào hôn nhân, bước vào sự kết hợp thiêng liêng, suốt cả cuộc đời với nhau, nếu có người yêu cũ hay bạn trai bạn gái cũ, chúng ta cần loại bỏ, dứt khoát với những người đó, không nên gặp lại nhau hay liên lạc qua thư từ, nhắn tin trên cell phone, e-mail, hay facebook, v.v… dù là liên lạc để từ giã, nhất là quyết tâm không nhắc đến hay nghĩ đến những người đó nữa. Quan trọng hơn, vợ chồng cần thành thật nói cho nhau biết về những người bạn cũ hay những mối quan hệ cũ, để cùng giúp nhau dứt khoát với quá khứ, loại bỏ tất cả những tình cảm vương vấn, vì đó chính là những con sâu con mọt, tuy âm thầm nhưng có thể phá hủy hay giết chết tình yêu và hạnh phúc của vợ chồng. Khi chúng ta quyết tâm từ giã tất cả những vướng bận của quá khứ như thế vợ chồng mới thật sự dành trọn tấm lòng, tâm trí và tình yêu cho nhau.
Ngoài ra, khi một đôi bạn trẻ bước vào hôn nhân là bước vào một giai đoạn mới, một hành trình mới trong đời sống, nên cần dứt khoát với những nan đề cũ trong quá khứ. Nếu trong quá khứ, khi còn non trẻ dại khờ, chúng ta có những vấp váp, lỗi lầm; dù những vấp váp lầm lỗi đó còn để lại dấu vết trong tâm trí hay trong đời sống, chúng ta cần nhờ Chúa giúp mình xóa đi, quên đi những vấp váp và lầm lỗi đó. Trong trường hợp đời sống còn những tang chứng về quan hệ tình cảm trong quá khứ, vợ chồng cũng nên vì tình yêu và lòng cam kết với nhau, nhờ Chúa giúp quên đi hay loại bỏ những điều đó ra khỏi tâm trí, không bao giờ nhắc đến nữa, để không điều gì làm vướng bận tâm trí hay ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình, đến tình yêu vợ chồng dành cho nhau. Nếu muốn được Chúa ban phước cho hôn nhân, chúng ta cần làm theo Lời Chúa dạy: Xưng ra với Chúa mọi lỗi lầm và xin Ngài tha thứ. Chúa hứa rằng nếu chúng ta xưng nhận tội lỗi, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta. Lời Kinh Thánh dạy như sau:
Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là Đấng thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính (Thư I Giăng 1:9)
Chúa không những tha thứ chúng ta, Ngài cũng hứa sẽ đem những tội đó khỏi xa chúng ta mãi mãi, để chúng ta không bao giờ nhìn thấy nữa. Lời dạy đó như sau:
Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Chúa cũng cất sự vi phạm của chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu (Thi Thiên 103:12).
Một điều quan trọng khác người bước vào hôn nhân cần biết là, nếu chúng ta đã lầm lỡ trước khi lập gia đình, nhưng đã xưng tội với Chúa và cũng đã nói cho vợ hay chồng biết, thì chúng ta hãy tha thứ cho nhau, nhất là chúng ta cần tha thứ cho chính mình và quên đi, đừng nghĩ đến cũng đừng nhắc lại nữa. Có người lỡ vấp váp, lầm lỗi, cũng đã xưng tội với Chúa và đã được Chúa tha thứ nhưng cứ làm khổ chính mình vì không chịu quên và không tha thứ cho chính mình. Đây cũng là điều nguy hiểm cho hạnh phúc vợ chồng. Một tác giả nọ nói rằng, khi bước vào hôn nhân là chúng ta bắt đầu cuộc sống mới, chúng ta cần quên đi những nơi chốn ta có kỷ niệm, với người không phải là vợ hay chồng mình. Nếu vợ chồng ngày trước cùng lớn lên trong một thành phố, cùng đi học một trường, hai người quen biết nhau từ khi còn nhỏ, những kỷ niệm đó sẽ khiến tình cảm vợ chồng thêm đậm đà, ý nghĩa, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Thường chúng ta gặp nhau khi đã lớn, đã trưởng thành, trong hoàn cảnh hay nơi chốn đặc biệt nào đó, mỗi người thường có quá khứ khác nhau, những kỷ niệm thời thơ ấu khác nhau hoặc lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau, v.v… Nếu những kỷ niệm hay kinh nghiệm khác nhau đó có thể tạo nên khoảng cách giữa vợ chồng, thì chúng ta cũng không nên nhắc lại hoặc đừng bao giờ nói đến.
Tóm lại, nói về nguyên tắc lìa bỏ quá khứ để vợ chồng thật sự kết hợp làm một, điều quan trọng là chúng ta cần biết mình phải lìa bỏ điều gì và cầm giữ điều gì, những điều liên quan đến hoàn cảnh sống trong quá khứ, hay liên quan đến kinh nghiệm trong đời sống riêng của mỗi người? Điều chúng ta cần lìa bỏ là ảnh hưởng của bạn bè cũ hay những khung cảnh xưa cũ với những kỷ niệm có thể tạo sự ngăn cách giữa vợ chồng, nhất là khi vợ chồng được lớn lên trong hai nơi chốn và hai hoàn cảnh khác nhau. Nếu chúng ta không lìa bỏ quá khứ nhưng cứ ôm ấp để hãnh diện hoặc giấu nhau về những lầm lỡ trong quá khứ, những điều đó sẽ ảnh hưởng đến tình yêu và sự hiệp nhất của vợ chồng, khiến vợ chồng có thể nghi ngờ nhau, không hiệp một như Lời Chúa dạy. Nguy hiểm hơn nữa, nếu chúng ta không lìa bỏ nhưng giấu vợ/giấu chồng những kỷ niệm với người yêu cũ, hay còn ôm ấp trong lòng, trong trí hình ảnh một người nào đó trong quá khứ, những điều đó sẽ ảnh hưởng tai hại đến tình cảm vợ chồng. Giữa vợ chồng sẽ có một khoảng cách mà ta khó có thể làm gì để xóa bỏ đi được (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành