Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 23)

Chúng tôi đang trình bày những nguyên tắc Kinh Thánh dạy để giúp chúng ta có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Một trong những nguyên tắc đó là ứng xử khôn ngoan khi có bất đồng ý kiến để hôn nhân không gãy đổ nhưng vợ chồng sẽ hiểu nhau và yêu nhau hơn.
Những điều chúng ta cần tránh khi vợ chồng có điều phiền giận nhau là: (1) Tránh chôn giấu phiền giận trước những việc nghiêm trọng, cần biểu lộ phiền giận. (2) Tránh những lời nói hay hành động làm tổn thương nhau. (3) Tránh đem những phiền giận giữa vợ chồng nói cho mọi người biết. (4) Tránh đặt mình vào chỗ khó xử, vì tuyên bố những điều không làm được. (5) Không dùng sự im lặng hay rút vào vỏ ốc để tránh bất hòa. (6) Không làm lớn chuyện hay nói quá đáng về những điều nhỏ nhặt, không đáng. Ðây là những điều chúng tôi trình bày trong Câu Chuyện Gia Ðình kỳ trước.
- Không dùng tình yêu chăn gối làm “vũ khí” để điều khiển nhau
Chúng ta đều biết quan hệ thân xác, hay tình yêu chăn gối, trong hôn nhân là điều quan trọng nhưng cũng là điều rất tế nhị, nhạy cảm, khi vợ chồng phiền giận nhau, mối quan hệ này sẽ bị ảnh hưởng. Một số các bà thường dùng nhu cầu chăn gối để điều khiển chồng.Khi chồng chiều chuộng hay làm những điều khiến mình vui thì dễ dàng chiều chồng trong nhu cầu này, còn nếu chồng có lỗi mà chưa xin lỗi hoặc chưa làm đúng điều mình mong muốn hay yêu cầu thì sẽ không chiều về mặt này. Vợ chồng không nên dùng tình yêu chăn gối để điều khiển nhau nhưng phải tế nhị đáp ứng nhu cầu cho nhau để ma quỷ không thừa lúc chúng ta yếu đuối, không cẩn trọng mà cám dỗ và đưa chúng ta vào tội lỗi. Lời Chúa trong Kinh Thánh có những lời dạy về bổn phận vợ chồng rất thực tế và cần thiết. Về tình yêu chăn gối, sứ đồ Phao-lô khuyên:
“Chồng phải làm trọn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Người vợ không có quyền trên thân thể mình, mà là chồng; người chồng cũng không có quyền trên thân thể mình mà là vợ. Ðừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên thỏa thuận tạm thời, để biệt riêng thì giờ cầu nguyện, nhưng sau đó trở lại với nhau, kẻo Sa-tan thừa lúc anh em thiếu tự chế mà cám dỗ anh em chăng” (I Cô-rinh-tô 7:3-5).
Ngày nay ma quỷ đang dùng mạng lưới Internet, với hơn 40 triệu trang với hình ảnh bê bối, để cám dỗ người nam người nữ về tội tà dâm và ngoại tình. Nếu vợ chồng không vâng theo lời Chúa dạy, nhưng dùng nhu cầu tình yêu chăn gối để điều khiển nhau, trừng phạt nhau khi có chuyện bất hòa là chúng ta mở rộng cửa cho cám dỗ và tội lỗi tràn vào gia đình chúng ta.
Về mặt khác, khi vợ chồng có điều buồn giận nhau, nếu chúng ta không quan tâm giải quyết ngay và không giải quyết đúng cách, sự căng thẳng giữa hai người sẽ gia tăng, vợ chồng sẽ giận nhau nhiều hơn, sự ngăn cách giữa hai người sẽ càng rộng lớn. Các nhà tâm lý học cho biết, khi có điều buồn phiền, tấm lòng hay tình cảm của chúng ta thường đi qua bốn giai đoạn như sau:
(1) Trái tim bị tổn thương
Có lẽ chúng ta đều đã kinh nghiệm khi trái tim mình bị tổn thương. Ðó là khi người phối ngẫu, vô tình hay cố ý, nói hay làm điều gì khiến ta bị chạm tự ái, khiến cho ta buồn. Nếu là người bén nhạy, khi lỡ nói hay làm điều gì khiến vợ hay chồng buồn hay tổn thương, chúng ta sẽ biết ngay. Là vợ chồng, sống chung với nhau, chúng ta biết ngay khi có chuyện không vui xảy ra hay khi người kia có điều phiền giận. Không ai có gia đình mà lại nói rằng, tôi chẳng bao giờ biết lúc nào chồng tôi buồn tôi hay lúc nào vợ tôi giận tôi. Chúng ta biết chứ không thể không biết, nhưng điều quan trọng hơn là, chúng ta cần bén nhạy để xin lỗi hay sửa đổi ngay để sự buồn giận hay tổn thương đó không còn. Nếu chúng ta làm ngơ khi trái tim người bạn đời bị tổn thương, sẽ đưa đến giai đoạn nguy hiểm hơn.
(2) Trái tim lạnh lùng, dửng dung
Ðiều này xảy ra khi người này biết người kia đang buồn, giận nên tìm cách đến gần để nói chuyện, nhưng không phải nói để giải hòa hay xin lỗi nhưng “nói giả lả,” làm như không có gì, mọi việc vẫn bình thường. Lúc đó giữa vợ chồng có đối thoại, có trao đổi, có thể người này hỏi người kia: “Em/Anh có chuyện gì buồn phải không? Thôi, bỏ qua đi!” Xong rồi nói lảng sang chuyện khác, và không đả động đến lý do người kia đang buồn nên vấn đề không được giải quyết. Người đang buồn có thể nói: “Không có chuyện gì hết” rồi hai vợ chồng nói lảng sang chuyện khác. Hai người đang có vấn đề nhưng cả hai đều tránh, không muốn nói đến, vì thế người bị tổn thương dù ngoài mặt bình thản nhưng trong lòng trở nên lạnh và dửng dưng đối với người kia. Cũng có thể người đó thầm nghĩ: “Thôi mình chấp nhận chuyện này, buồn thì cũng ráng chịu vì có nói ra cũng vô ích!” Vì lý do đó sẽ đưa đến giai đoạn thứ ba.
(3) Trái tim cứng cỏi
Ðây là giai đoạn nguy hiểm, vì buồn nhau mà không nói ra, không giải hòa, không tha thứ cho nhau. Nếu là người tin Chúa, chúng ta sẽ làm buồn Ðức Thánh Linh, Ðấng đang ngự trong lòng chúng ta, lúc đó chúng ta sẽ không thể cầu nguyện được. Kinh Thánh dạy:
Anh em chớ làm buồn cho Thánh Linh của Ðức Chúa Trời… Phải bỏ khỏi anh em những cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Ê-phê-sô 4:30-32)
Khi có điều buồn giận cay đắng người khác, chúng ta sẽ làm buồn Ðức Thánh Linh và sẽ không thể cầu nguyện. Vì vậy chúng ta cần tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Ngoài ra, Lời Chúa cũng nhắc nhở quý ông chồng rất rõ ràng về cách đối xử với vợ, vì mối quan hệ vợ chồng có ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của quý ông. Sứ đồ Phi-e-rơ viết:
Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong cách ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em (I Phi-e-rơ 3:7)
Khi mối quan hệ vợ chồng không ngọt ngào tốt đẹp, chúng ta sẽ không thể cầu nguyện. Cửa thiên đàng hầu như đóng lại, Chúa hầu như ở xa, Ngài không đoái nghe lời chúng ta kêu cầu. Trong giai đoạn này, tấm lòng chúng ta không những lạnh lùng, dửng dưng nhưng cũng sẽ trở thành cứng cỏi. Vợ chồng vẫn tiếp tục sống bên nhau, vẫn làm trọn bổn phận của mình nhưng trong tâm trí chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi: “Không biết cuộc hôn nhân này có tiếp tục được không hay là sẽ đi đến gãy đổ?” Từ đó nhiều nan đề khác giữa vợ chồng sẽ xảy đến nhưng tấm lòng người trong cuộc đã quá lạnh quá cứng nên không ai quan tâm đến nữa. Mỗi người chỉ lo phần trách nhiệm của mình cho qua ngày. Tình trạng này sẽ dân đến giai đoạn thứ tư, là giai đoạn nguy hiểm nhất.
(4) Trái tim đã chết, không còn cảm xúc
Phản nghĩa với yêu không phải là ghét nhưng là không còn cảm xúc, không quan tâm đến nhau nữa. Khi vợ chồng giận nhau hoặc người này nói mình không thích điều gì ở nơi người kia, vợ chồng đó vẫn còn thương nhau, và vẫn còn hy vọng cứu vãn hôn nhân của họ. Trái lại, khi vợ chồng nhìn nhau mà không còn gì để nói, không còn chút tình cảm hay cảm xúc nào cho nhau, không chút quan tâm khi người kia buồn đau hay khổ tâm, lúc đó tình yêu giữa hai người đã chết, và hôn nhân của họ không còn hy vọng được cứu vãn. Ðây là điều đáng buồn vô cùng và đáng buồn hơn nữa là, lắm khi hôn nhân đi đến giai đoạn vô hy vọng này một cách nhanh chóng vì những xung đột, bất đồng ý kiến không quan trọng, vì những chuyện không đáng! Như vậy chúng ta cần làm gì để bất hòa giữa vợ chồng không tiêu hủy hôn nhân nhưng khiến hôn nhân chúng ta sẽ bền vững hơn? (còn tiếp)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành