Đá Biết Nói
Ngày Chúa Nhật sắp đến là ngày Lễ Lá, kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, được dân chúng tiếp đón nồng hậu bằng những chiếc lá kè hái bên đường. mời quý vị đọc câu chuyện Phúc Âm nói về ngày Lễ Lá và ý nghĩa của ngày lễ nầy đối với chúng ta.
Thánh Kinh ghi lại câu chuyện Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày Lễ Lá như sau:
Chúa Giê-xu đem các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Ðến làng Bê-pha-giê và Bê-ta-ni trên sườn núi Ô-liu, Chúa bảo hai môn đệ đi trước: “Các con đi thẳng đến làng trước mặt, vừa vào làng sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi đang cột tại đó. Cứ mở dây dắt nó về đây. Nếu có ai hỏi, các con trả lời: Chúa cần dùng nó.” Hai môn đệ vâng lời ra đi, quả nhiên mọi việc xảy ra như lời Chúa dặn bảo. Thấy họ mở dây lừa, người chủ hỏi: “Các ông mở dây làm gì?” Hai môn đệ đáp: “Chúa cần dùng nó.” Họ dẫn lừa về cho Chúa Giê-xu, lót áo mình trên lưng nó, nâng Ngài lên cỡi. Dân chúng trải áo dọc theo đường Chúa cỡi lừa đi qua. Lúc đến quãng đường xuống dốc núi Ô-liu gần Giê-ru-sa-lem, đám môn đệ đông đảo vừa đi vừa tung hô ca ngợi Thượng Ðế về những phép lạ Chúa Giê-xu thực hiện: Hoan hô Vua Trời, sứ giả Thượng Ðế! Thiên cung thái hòa! Thượng Ðế quang vinh!” Nhưng mấy thấy Biệt Lập trong đám đông lên tiếng phản đối: “Xin Thầy bảo môn đệ đừng reo hò như thế! Chúa đáp: “Nếu họ im lặng, đá sẽ tung hô!”
Gần đến nơi, vừa trông thấy thành phố, Chúa liền khóc than: “Ngày nay Giê-ru-sa-lem đã biết rằng cơ hội hưởng thái bình đang ở trong tầm tay mà không chịu nắm lấy! Rồi đây quân thù sẽ đến đắp lũy bao vây phong tỏa, san bằng thành quách, tiêu diệt dân lành, không còn để cho hai viên đá chồng lên nhau vì thành phố nầy đã khước từ cơ hội Thượng Ðế dành cho mình (Phúc Âm Lu-ca 19:29-44).
Câu chuyện nầy cho chúng ta thấy ba điều quan trọng sau đây:
1. Chúa Cứu Thế Giê-xu là một vị vua đặc biệt
Ðặc biệt ở chỗ là Chúa đã cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Xưa nay những người oai phong lẫm liệt, những tướng lãnh oai hùng, không ai cỡi lừa bao giờ. Chúa Giê-xu đã vào thành như một vị vua nhưng là vị vua cỡi trên lưng lừa. Sự việc Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem là để làm thành lời tiên tri đã được viết đến hàng trăm năm trước. Con dân Chúa biết được vị cứu tinh của mình khi nào vị cứu tin ấy cỡi lừa vào thành. Vị cứu tinh cỡi lừa là ngược lại với điều mọi người trông đợi. Chúng ta nhớ Chúa Giê-xu đến trần gian trong thời kỳ vùng Palestine bị La-mã cai trị và người La-mã nổi tiếng với những đội kỵ binh oai hùng. Những danh tướng của La-mã cũng là những anh hùng cỡi ngựa thật giỏi. Cỡi trên lưng ngựa là hình ảnh của tàn bạo, hung hãn, chiếm đoạt. Chúa Giê-xu trái lại đã cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, đó là hình ảnh của khiêm nhu và hòa bình. Thánh Kinh ghi: “Vua các ngươi đang đến thăm, khiêm tốn cỡi lừa con.” Chúa Giê-xu là vua nhưng là một vị vua khiêm tốn. Chúa không mở rộng bờ cõi bằng bạo lực nhưng bằng tình thương. Giữa lúc đất nước đang nằm trong tay quân thù, dân chúng mong ước thấy một vị anh hùng cỡi ngựa cầm gươm, hô hào mọi người nổi dậy chống xâm lăng. Nhưng Chúa Giê-xu không làm như vậy, Ngài khiêm tốn cỡi lừa vào thành cho mọi người thấy tình thương của Chúa. Chúa Giê-xu đang muốn chinh phục lòng Bạn, nhưng Ngài không ép buộc, cũng không dùng bạo lực, Ngài muốn dùng tình thương cảm hóa Bạn để Bạn tự nguyện đến với Ngài. Chúa Giê-xu đang mở rộng vương quốc của Ngài không phải bằng gươm dao, khí giới nhưng bằng tình thương. Tình thương đến độ sẵn sàng chết cho người mình thương. Trong ngày Lễ Lá Mùa Phục Sinh năm nay, chúng ta hãy nhớ đến vua Giê-xu cỡi lừa vào thành để ta nhớ đến Ngài là vị vua khiêm nhường để sống khiêm nhường như Chúa và nhất là để cho Ngài ngự vào lòng làm vua đời sống chúng ta như điều con dân của Chúa ngày xưa đã làm, và đó cũng là ý nghĩa thứ hai của ngày Lễ Lá chúng ta ghi nhận sau đây.
2. Khi Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành như vậy thì dân chúng hai bên đường đã lót áo cho Ngài đi qua
Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi: “Người khác bẻ nhánh cây trải trước mặt Chúa.” Phúc Âm Giăng thì ghi: “Mỗi người cầm cành thiên tuế đi đón Chúa.” Chính vì vậy mà người ta quen gọi ngày nầy là ngày Lễ Lá. Khi nghênh đón Chúa như vậy, mọi người tung hô: “Hoan hô Vua Trời, sứ giả của Thượng Ðế.” Ðiều nầy đã làm cho giới lãnh đạo tôn giáo thời đó bất bình vì thấy Chúa được mọi người trọng vọng còn họ thì không ai để ý đến. Và họ đã bày tỏ phản ứng ngay. Họ nói với Chúa: “Xin Thầy bảo môn đệ đừng reo hò như thế !” Chúa đã trả lời họ như sau: “Nếu họ im lặng, đá sẽ tunghô!” Bạn thân mến, trong buổi phát thanh tuần trước, chúng tôi có nói với Bạn là mỗi chúng ta đều mang nợ Chúa, mang nợ chính thân thể nầy và vì vậy chúng ta có bổn phận phải ca tụng và cảm tạ Chúa. Sinh ra làm người mà không tôn thờ Ðấng Tạo Hóa là chúng ta chưa trả cho Ðức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài. Giới lãnh đạo tôn giáo thời đó chỉ giữ đạo bề ngoài, không muốn cho người ta suy tôn Chúa và Chúa đã cho họ một bài học cũng là bài học cho cho chúng ta. Bài học đó là dù ta có ca tụng tôn thờ Chúa hay không Chúa vẫn được ca ngượi. Ta không ca ngợi Chúa thì thiên nhiên cát đá núi đồi sông biển cũng sẽ ca ngợi Ngài. “Nếu họ im lặng, đá sẽ tung hô!” Ðối với chúng ta ngày nay, Chúa cũng có thể nói: “Nếu các con yên lặng, không tôn thờ ta thì thiên nhiên gỗ đá vẫn có thể tôn thờ ta vì ta đã tạo dựng nên chúng như ta đã tạo dựng các con vậy.” Thiên nhiên gỗ đá hay muôn loài vạn vật bắt buộc phải tôn thờ Chúa vì chúng là vật vô tri, còn chúng ta, được Thượng Ðế phú cho trí khôn, cũng có ý chí tự do để quyết định nữa, chúng ta có quyền chọn lựa tôn thờ Chúa hay không. Việc tôn thờ Chúa của chúng ta có giá trị đặc biệt đó, giá trị tự nguyện, sẵn sàng, bằng ý chí của mình.
“Nếu họ im lặng, đá sẽ tung hô,” câu nầy cũng hàm ý rằng thiên nhiên vạn vật lúc nào cũng ca ngợi Chúa, còn chúng ta thì sao? Có thể nào chúng ta lại thản nhiên trước sự cao cả vĩ đại của Ngài? Bạn có đến Công Viên Quốc Gia Yosemite bao giờ chưa? Yosemite là một vùng rừng núi gần Stockton và Modesto. Nơi đây Bạn sẽ thấy những núi đá vĩ đại mà trước những núi đá đó, con người chúng ta chỉ còn là những con kiến bé nhỏ. Nơi đây Bạn sẽ thấy rằng những tảng đá ấy lúc nào cũng tung hô ca ngợi Thiên Chúa bởi vì nó cho ta thấy Thiên Chúa cao cả, vĩ đại vô cùng, chúng ta không thể nào không ca ngợi Chúa về những kỳ công của Ngài. Ở Grand Canyon hay Yellowstone, ở vịnh Hạ Long hay đèo Hải Vân, đèo Cả cũng vậy, trước những hùng vĩ của thiên nhiên ta chỉ có thể nói được một điều Chúa của chúng ta cao cả vĩ đại quá. Ðất trời lúc nào cũng ca tụng Chúa, còn ta thì sao? Ta có chịu thần phục trước mặt Ngài hay vẫn cho mình là hơn cả? Hãy nhớ, dù cho ta nín lặng, không tôn thờ Chúa thì vũ trụ vạn vật vẫn thần phục Ngài. Ta lại thua kém cả cỏ cây và gỗ đá sao?
3. Bài học về cơ hội hay dịp tiện
Khi vào thành, Chúa đã khóc về thành như sau:
Ngày nay Giê-ru-sa-lem đã biết rằng cơ hội hưởng thái bình đang ở trong tầm tay mà không chịu nắm lấy! Rồi đây quân thù sẽ đến đắp lũy bao vây phong tỏa, san bằng thành quách, tiêu diệt dân lành, không còn để cho hai viên đá chồng lên nhau vì thành phố nầy đã khước từ cơ hội Thượng Ðế dành cho mình (Phúc Âm Lu-ca 19:29-44)
Khước từ cơ hội, đó là tội của con dân Chúa ngày xưa và cũng có thể là tội của chúng ta hôm nay. Tôi không nghĩ là vô tình hay ngẫu nhiên mà Bạn nghe chương trình nầy hôm nay đâu. Thiên Chúa đang cho Bạn một cơ hội để Bạn tiếp nhận Ngài. Ngài đã vào đời làm một vị vua khiêm tốn yêu thương đến nỗi chết vì dân của mình. Ngài kêu gọi chúng ta đến với Chúa để nhận tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cứ mãi từ khước Chúa, cơ hội sẽ không còn và khi ta ăn năn có thể đã quá muộn. Nước Mỹ là nước của dịp tiện, nhưng dịp tiện quan trọng nhất là dịp tiện biết Chúa và tôn thờ Ngài. Chúa đã đưa Bạn đến đây, đã cho Bạn được nghe tiếng nói nầy, hãy trở về với Ngài, hãy đeo đuổi tìm kiếm những giá trị trường tồn vĩnh cửu. Hãy cùng với vũ trụ vạn vật suy tôn Chúa là vua của đời sống. Hãy đến với Ngài hôm nay trước khi quá muộn!
Song song với dịp tiện hay nói đúng hơn, đối chiếu với dip tiện là sự mong manh của đời sống. Chỉ một cái chuyển mình nhẹ của thiên nhiên cũng đủ làm cho tất cả sự nghiệp thay đổi. Ðời sống mong manh và chóng qua như vậy nên chúng ta lại càng nên đeo đuổi những giá trị vĩnh cửu. Chúa Cứu Thế đã khóc và cảnh cáo con dân Chúa ngày xưa sau khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem như sau:
Rồi đây quân thù sẽ đến đắp lũy bao vây phong tỏa, san bằng thành quách, tiêu diệt dân lành, không còn để cho hai viên đá chồng lên nhau vì thành phố nầy đã khước từ cơ hội Thiên Chúa dành cho mình. Sự việc đã xảy ra đúng như vậy 40 năm sau đó, thành Giê-ru-sa-lem bị quân La-mã san thành bình địa.
Dịp tiện đang đến với Bạn. Chúa Cứu Thế đang đi vào cuộc đời của Bạn và chờ đợi Bạn. Nếu Bạn không tôn thờ Ngài, vũ trụ vạn vật cát đá cũng vẫn tôn thờ Ngài nhưng chính Bạn sẽ trầm luân và hư mất đời đời.. Chúa hứa rằng: “Ai đến với Ta, Ta không bao giờ xua đuổi.” Hãy đến với Chúa để kinh nghiệm tình yêu và ý nghĩa thật của đời sống. Ðể đến với Chúa, Bạn chỉ cần thưa với Ngài ngay giờ phút nầy những lời như sau:
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã tạo dựng nên con. Cám ơn Chúa đã chịu chết thế cho con. Xin Chúa tha tội cho con và ngự vào tâm hồn con giờ nầy. Con cám ơn Chúa và cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men.
Chữ “A-men” có nghĩa là mong muốn nhận được điều mình cầu xin. Khi Bạn cầu xin Chúa với tất cả lòng thành của mình, Chúa sẽ đáp lời và ngự vào lòng Bạn. Bạn có thể liên lạc với chúng tôi để biết thêm các chi tiết về cuộc đời theo Chúa.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
CAM ON.