Dạy Con (Bài 6)
Có một em bé nọ, tên là Mai, mới ba tuổi nhưng em kể như là chủ trong gia đình. Cha mẹ em lúc nào cũng tất bật lăng xăng để chiều theo những đòi hỏi của em. Một buổi tối nọ, mẹ em dọn cơm ra bàn và bảo các con vào ăn, hai đứa con lớn vâng lời nhưng Mai không chịu vào, bảo là muốn xem ti-vi. Mẹ em chờ mãi không thấy con vào, sợ con bỏ ăn sẽ gầy ốm, không lớn, nên bà đem cơm ra phòng khách đút cho con. Bé Mai nuốt một cách ngao ngán, mắt thì cứ dán vào TV dù chẳng hiểu gì. Ăn được vài muỗng Mai xua tay, che miệng, bảo là no rồi, không muốn ăn nữa. Khi mẹ ép ăn thêm một muỗng cuối cùng, Mai gào lên khóc, khiến mẹ em vội vàng xin lỗi rồi đứng lên đem chén cơm vào bếp. Bà trở lại bàn, ngồi ăn với hai đứa anh của Mai. Sau đó bà rửa chén, dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, bé Mai vào bếp nói: “Mẹ ơi con muốn ăn cơm.” Bà mẹ nghe con đòi ăn mừng quá, liền ngưng công việc lấy cơm cho con. Khi bà để chén cơm lên bàn, đứa bé nhìn và hỏi: “Cái này là cơm của con hồi nãy phải không?” Bà mẹ nói: “Không, cơm này mẹ mới lấy trong nồi cho nóng.” Thế là đứa bé nổi giận, gào lên: “Con muốn cơm của con, con không muốn cơm khác!” Bà mẹ sững sờ, không biết phản ứng làm sao, nhưng bà cố kiên nhẫn, vừa dỗ vừa giải thích là cơm này ngon hơn, nhưng bé Mai khóc to lên, nhất định đòi chén cơm lúc nãy. Bà mẹ đã đổ chén cơm đó nên không lấy ở đâu được nữa, bà đành xin lỗi con và chờ cho con hết giận. Bé Mai tiếp tục gào khóc, khoảng 15 phút sau thì thôi vì không còn sức để khóc nữa. Rồi bé ngả ra ghế ngủ, bà mẹ thấy vậy bế con vào giường. Đến nửa khuya vì đói, bé Mai thức dậy đòi ăn. Mẹ em phải dậy vào bếp lấy cơm cho con!
Thưa quý vị, trường hợp cha mẹ sợ con không chỉ xảy ra trong một vài gia đình nhưng rất nhiều gia đình, dưới những hình thức khác nhau. Vì sợ con, cha mẹ sẵn sàng chiều con, lắm khi chiều những chuyện rất là vô lý. Kết quả là cha mẹ mỏi mệt; người chung quanh ngao ngán, và những đứa con đó lớn lên không biết tôn trọng một thẩm quyền nào cả. Câu mà các bậc cha mẹ ngày nay thường than là: Sao bây giờ nuôi con khó quá, không như bên Việt Nam ngày trước. Thật vậy, ngày nay mỗi gia đình chỉ có hai, ba đứa con mà sao vất vả quá; không như các cụ ngày trước, 9,10 đứa con mà nuôi một cách dễ dàng; không phải nhức đầu, lo lắng như chúng ta bây giờ. Chúng ta còn thấy rằng, ngày trước con sợ cha mẹ, bây giờ thì hầu như cha mẹ sợ con! Ngày nay có nhiều cha mẹ rất sợ con: sợ con buồn, con giận, sợ con không thương, không muốn ở gần rồi ngày kia cha mẹ sẽ phải sống trong cô đơn. Cha mẹ sợ con là điều chúng ta thấy trong nhiều gia đình, dù con trong tuổi thiếu niên hay mới vài ba tuổi.
Tại sao ngày nay nhiều cha mẹ sợ con còn con cái thì không kính sợ cha mẹ? Có nhiều lý do đưa đến sự đảo ngược đó. Trước hết, khi đời sống bình an, vật chất đầy đủ, nhu cầu chính yếu của con người không phải là tranh đấu để sống còn, để có miếng cơm manh áo mà chúng ta và con em chúng ta có những nhu cầu khác, phức tạp hơn. Chúng ta muốn được chấp nhận, yêu thương, chiều chuộng; chúng ta muốn hơn người khác, muốn có những điều mình mơ ước, muốn có quyền, muốn điều khiển người khác, muốn cái tôi của mình được tôn trọng, được chú ý,v.v… Trong xã hội này chúng ta không thiếu cơm ăn áo mặc, không thiếu những tiện nghi trong đời sống nhưng vì những đòi hỏi phức tạp đó mà việc nuôi dạy con thật là khó khăn, đến nỗi nhiều gia đình không dám có đứa con thứ hai! Một lý do khác khiến cha mẹ thường chiều con, lắm khi đến nỗi như là sợ con là vì cha mẹ quá bận rộn, không có thì giờ cho con. Hầu hết cha mẹ ngày nay đi làm suốt ngày, chỉ ở gần con vài tiếng đồng hồ buổi tối, chỉ gặp con vài tiếng đồng hồ vào cuối tuần. Trong những giờ phút quý báu và ngắn ngủi đó, chúng ta không muốn nói hay làm điều gì phật ý con, sợ con có ấn tượng không tốt về cha mẹ. Ngoài ra, những lúc ở gần con cha mẹ cũng quá mệt mỏi, cả thể xác lẫn tinh thần, không còn sức lực và ý chí để uốn nắn hay sửa dạy con. Con em chúng ta rất khôn ngoan và bén nhạy, các em biết cha mẹ áy náy vì không có thì giờ cho các em, tội nghiệp vì biết các em thiếu tình thương của cha mẹ. Biết cha mẹ thương và muốn chiều cho mình vui nên các em luôn vòi vĩnh điều này điều kia.
Làm sao để cha mẹ có lại thẩm quyền trên con cái? Chúng tôi xin đề nghị ba điều sau đây:
1. Nhớ rằng là cha mẹ chúng ta có thẩm quyền trên con, đừng ngại sử dụng thẩm quyền đó
2. Đặt giới hạn giữa cha mẹ và con cái rõ ràng ngay từ khi con còn nhỏ.
3. Sắp xếp lại đời sống, đặt lại thứ tự ưu tiên để có thì giờ cho con.
1. Cha mẹ có thẩm quyền trên con cái, đừng ngại sử dụng thẩm quyền đó
Để con cái kính sợ và tôn trọng cha mẹ, thay vì cha mẹ phải sợ con, trước hết chúng ta cần nhớ rằng là cha mẹ, chúng ta có quyền trên con cái.Thẩm quyền đó đến từ Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên chúng ta. Chúa ban cho chúng ta quyền nuôi dạy và hướng dẫn con cái, vì thế con cái phải vâng lời và tôn kính cha mẹ; cha mẹ cần phải sử dụng thẩm quyền của mình. Kinh Thánh dạy: “Hỡi kẻ làm con, phải vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3). Con cái nhiều khi không kính sợ cha mẹ vì cha mẹ không sử dụng thẩm quyền của mình. Các em không biết là các em phải vâng lời cha mẹ.
2. Đặt giới hạn rõ ràng giữa cha mẹ và con cái ngay từ khi con còn nhỏ
Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần cho con thấy sự phân biệt giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta vẫn trò chuyện, chơi đùa với con; nhưng trong khi vui đùa con cái phải kính trọng cha mẹ. Ví dụ, ông cha có thể bò ra sàn nhà làm ngựa cho con cỡi, nhưng nếu con vừa cỡi vừa đánh lên đầu bố là không được, như thế là vô lễ. Con cái có thể nói lên ý kiến của mình nhưng phải nói cách lễ độ. Chúng ta đừng làm ngơ khi con có những hành động, lời nói hay thái độ vô lễ. Khi các em biểu lộ thái độ vô lễ với cha mẹ lần thứ nhất, chúng ta phải sửa dạy ngay. Chúng ta không nhất thiết phải đánh đòn con nhưng nghiêm nghị nói cho con biết như thế là không được. Có người ngại rằng nếu sửa lỗi con hoặc đặt giới hạn giữa cha mẹ với con cái, các em sẽ cho là cha mẹ nghiêm khắc, sẽ không thích và không thương cha mẹ. Có người thì nuôi dạy con theo triết lý mới, chủ trương rằng cha mẹ phải là bạn của con, hạ mình xuống ngang hàng với con để đôi bên không có sự ngăn cách. Thưa quý vị, triết lý này mới nghe thấy như đúng mà không đúng. Thật ra, cha mẹ và con cái không bao giờ ngang hàng với nhau. Cha mẹ là cha mẹ, con cái là con cái. Cha mẹ cần yêu thương và tôn trọng con, không đánh đập hay la mắng con nặng lời, làm tổn thương con; nhưng con phải tôn trọng cha mẹ. Khi con cái bước quá giới hạn và thách thức thẩm quyền của cha mẹ, cha mẹ phải ngăn chận và sửa lại ngay. Khi những em còn bé có hành động hay lời nói vô lễ với cha mẹ, cha mẹ thường không sửa phạt vì nghĩ rằng các em chưa biết gì, và thấy các em làm như thế ngây ngô dễ thương. Đây là điều vô cùng tai hại.
3. Sửa đổi lối sống, đặt lại thứ tự ưu tiên để có thì giờ cho con
Nhiều bậc phụ huynh biết rằng mình có quyền trên con cái, và cần phải sử dụng quyền đó để dạy con, cũng biết rằng mình phải đặt giới hạn rõ ràng từ khi con còn nhỏ. Biết tất cả những điều đó nhưng không áp dụng được vì quá bận rộn, không có thì giờ ở bên con. Khi chúng ta chỉ ở bên con một vài giờ trước khi con đi ngủ, đi học; trước khi chúng ta đi làm, chúng ta thường không muốn sửa dạy hay sai bảo mà chỉ muốn nói hay làm gì cho con vui. Thưa quý vị, nếu muốn việc dạy con có kết quả, và khi con đến tuổi thiếu niên con không lánh xa cha mẹ, chúng ta không có một lựa chọn nào khác hơn là đặt lại thứ tự ưu tiên cho đời sống. Nếu con cái là quan trọng nhất trong đời, chúng ta phải bỏ bớt những gì kém quan trọng để có thì giờ cho con. Thưa quý vị những thì giờ chúng ta hy sinh để ở bên cạnh con không bao giờ là phí phạm hay vô ích, thật ra đó là món quà quý nhất mà chúng ta dành cho con và khi lớn lên các em sẽ biết ơn cha mẹ sâu xa.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành