Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 1)
Trong mục Dear Abby của nhật báo Los Angeles Times một lần nọ có ghi lại lời than của một bà vợ như sau: Tôi thật không hiểu chồng tôi. Chúng tôi lấy nhau đã gần 50 năm nhưng chồng tôi không bao giờ nói chuyện với tôi. Chồng tôi là người thật ít nói, đúng ra, ông là người không nói. Nếu tôi không gợi chuyện thì hai vợ chồng chúng tôi sống trong một thế giới hoàn toàn im lặng. Chồng tôi chẳng bao giờ nói chuyện với tôi, dù chỉ là một lời thăm hỏi. Mỗi ngày khi ông đi làm, nếu tôi đứng ở cửa, ông sẽ đi ngang qua và bước ra cửa một cách thản nhiên như không có ai đứng đó, ông không bao giờ nói lời từ giã vợ. Tình trạng này kéo dài đã gần năm mươi năm nay. Nhiều lần tôi nói với ông là vợ chồng cần nói chuyện với nhau mới biết ý nhau; nhưng nói gì thì nói, ông không thay đổi.
Trong khi đó, một bà vợ khác thì nói: Người nào có ông chồng ít nói hãy xem đó là một cái phước, vì chồng tôi nói quá nhiều, nói suốt ngày đêm không ngưng nghỉ. Ông nói ra tất cả những gì ông suy nghĩ, và hầu hết những điều ông nói rất là bi quan, tiêu cực. Ông than người này, chê người kia, lúc nào ông cũng chỉ thấy mặt trái của vấn đề để mà chê trách. Ông không cắt cỏ, làm vườn, không giúp tôi làm việc nhà vì phải ông bận suy xét việc này, phân tích việc kia và phải dành thì giờ nói lên ý kiến tiêu cực của mình. Nhiều đêm tôi phải nghe chồng tôi nói chuyện cả tiếng đồng hồ mới được đi ngủ. Tôi khổ quá mà không biết làm sao vì ông không thấy đây là một nan đề cần phải sửa đổi.
Kính thưa quý thính giả, chúng tôi không biết quý vị có nan đề nào trong vấn đề đối thoại giữa vợ chồng, nhưng vợ chồng nào cũng cần đối thoại với nhau, để có thể hiểu và thông cảm nhau. Tuy nhiên, vì không biết cách đối thoại và trò chuyện nên thay vì hiểu nhau và gần nhau, nhiều vợ chồng vì lời nói mà phiền giận nhau và ngăn cách nhau. Trong mối quan hệ giữa ta với người chung quanh, đối thoại là điều quan trọng, không có đối thoại ta sẽ không hiểu nhau và không thể đứng chung để làm một công việc gì. Trong hôn nhân, đối thoại lại càng quan trọng hơn, thiếu đối thoại hay đối thoại không đúng sẽ đưa đến hiểu lầm, buồn giận và ngăn cách. Ðối thoại quan trọng như thế nên có người đã nói: Ðối thoại đối với tình yêu cũng như dòng máu đối với sự sống, không thể thiếu được. Nói một cách khác, thân thể cần máu để sống và tăng trưởng thể nào thì đối thoại cũng cần cho mối quan hệ giữa ta với người ta yêu thể ấy. Nếu muốn hôn nhân được ngọt ngào, tốt đẹp, đường dây đối thoại giữa vợ chồng phải được tốt đẹp. Khi đối thoại bế tắc, vợ chồng không trò chuyện trao đổi với nhau, hôn nhân đó sẽ gặp khó khăn.
Ðối thoại là gì mà quan trọng như thế? Tiến sĩ Norman Wright, trong một bài học dành cho các bạn trẻ sắp lập gia đình, đã định nghĩa đối thoại như sau: “Ðối thoại là một tiến trình qua đó ta bày tỏ chính mình bằng lời nói, thái độ và cử chỉ, để người nghe có thể tiếp nhận và hiểu những điều ta bày tỏ.” Nói một cách khác, đối thoại là dùng lời nói và cử chỉ, chia xẻ tư tưởng, cảm xúc của ta một cách rõ ràng để người kia có thể hiểu được. Ðể đối thoại mang lại kết quả tốt đẹp, chúng ta không những cần nói nhưng cũng cần có người lắng nghe. Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.
Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới. Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, chúng ta cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết.
Tại sao đối thoại quan trọng đối với hạnh phúc gia đình? Nếu nhớ lại những bất hòa xảy ra giữa người này với người kia, chúng ta thấy rằng hầu hết những bất hòa đó xảy ra là vì chúng ta không biết ý nhau hoặc không thông cảm nhau. Nếu vợ với chồng, cũng như cha mẹ với con cái, dành thì giờ trò chuyện, trao đổi với nhau thường xuyên, để mỗi người có thể nói lên những suy nghĩ, ước mơ; chia xẻ những cảm xúc buồn vui, những ưu tư ôm ấp trong lòng, thì sẽ tránh được những hiểu lầm, thiếu thông cảm và ngăn cách. Nan đề xảy ra vì những lời đã nói hoặc những lời không thể nói. Vì đối thoại giữa vợ chồng quan trọng như thế nên chúng ta cần trò chuyện với nhau thường xuyên, trò chuyện và trao đổi trong tinh thần cởi mở, thành thật; sẵn sàng lắng nghe và thông cảm với những gì người kia nói. Vợ chồng sống với nhau lâu càng cần trò chuyện với nhau thường xuyên hơn, vì khi là vợ chồng rồi chúng ta thường có khuynh hướng không nói chuyện với nhau nhiều như hồi chưa cưới.
Một vị giáo sư nọ, vì thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại trong hôn nhân nên đã nói: “Nếu tôi có cơ hội khuyên những đôi vợ chồng sắp cưới chỉ một lời mà thôi, thì tôi sẽ khuyên điều sau đây, đó là để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp luôn luôn.”
Có một cô vợ trẻ kia than với bạn: Buồn quá chị ơi, sao chồng em ít nói chuyện với em quá. Lúc nào anh ấy cũng bận việc này việc kia, đi làm thì thôi mà về nhà là ngồi trước computer hoặc cái ti-vi. Em có nhiều chuyện muốn nói mà thấy anh ấy bận quá nên em không dám. Rồi vì ít trò chuyện với nhau nên bây giờ vợ chồng thấy chẳng có gì đáng nói và cũng không muốn nói nữa. Em thật là cô đơn, có chuyện gì buồn hay lo lắng chẳng biết nói với ai! Thật tội nghiệp cho ai có người bạn đời bên cạnh mà vẫn cô đơn.
Các nhà tâm lý học cho biết, phái nữ có nhu cầu nói nhiều hơn phái nam, vì vậy các bà vợ cần nói chuyện với chồng và mong chồng lắng nghe khi các bà có điều muốn nói. Các ông thường không có nhu cầu nói nhiều như các bà nên không nhận biết nhu cầu của vợ, và vì thế không dành thì giờ trò chuyện và lắng nghe. Hơn nữa, người ta quan sát và thấy rằng, khi có người yêu, các anh thường chăm sóc rất tế nhị, sẵn sàng ngồi hằng giờ nghe người yêu tâm sự; nhưng khi người yêu trở thành vợ rồi thì không cư xử tế nhị và không kiên nhẫn lắng nghe nữa. Vì thế các bà vợ thường than là chồng không lắng nghe và không thông cảm với mình như ngày chưa cưới.
Khi trò chuyện là chúng ta gởi cho nhau những sứ điệp, là điều ta muốn người kia tiếp nhận. Mỗi sứ điệp gởi đi thường có ba phần: (1) Câu nói, tức là nội dung sứ điệp, (2) Giọng nói và (3) Cách nói. Cách nói bao gồm nét mặt, cử chỉ và hành động, tiếng Anh gọi là non-verbal communication, tạm dịch là đối thoại không lời. Cũng cùng một câu nói, nhưng nếu ta có giọng nói và cách nói khác nhau sẽ truyền đi những sứ điệp khác nhau. Mỗi khi đối thoại chúng ta thường dùng cả ba phần: câu nói, giọng nói và cách nói. Ba phần này bổ túc cho nhau nhưng có tầm quan trọng khác nhau: Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, mỗi khi ta nói một điều gì, câu nói chỉ diễn đạt 7% điều ta muốn nói, giọng nói diễn đạt 38% và cách nói diễn đạt đến 55%. Ðiều này cho thấy, nội dung câu nói không quan trọng bằng giọng nói và cách nói. Cùng một lời khen hay một lời xin lỗi nhưng nếu giọng nói và cách nói khác nhau, sẽ truyền đi những sứ điệp tương phản nhau. Ví dụ, ta nói một câu rất lịch sự, nhưng nếu giọng nói và cách nói không lịch sự, người nghe sẽ cảm nhận ngay là câu nói của ta không lịch sự. Tương tự như vậy, nếu một câu nói chứa đựng những từ yêu thương nhưng cách nói và giọng nói thiếu yêu thương, ta sẽ hiểu ngay là người nói không thật sự yêu thương. Khi giận một người nào mà chúng ta cố gắng nói tử tế với người đó, giọng nói và cách nói của ta thường không đi đôi với nội dung câu nói, và người nghe sẽ nhìn thấy ngay. Ðối thoại quan trọng như thế nên chúng ta cần cẩn thận, để ba phần của đối thoại cùng nói lên một ý giống nhau. Thánh Kinh dạy:
Lời nói anh chị em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh chị em biết nên đối đáp với mỗi người là thế nào (Thư Cô-lô-se 4:6)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành