Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 9)
Qua loạt bài “Đối Thoại Trong Hôn Nhân” trong các tuần qua chúng tôi đã chia xẻ với quý vị 9 nguyên tắc Thánh Kinh dạy về cách sử dụng lời nói. Những nguyên tắc đó là:
1. Lời nói có sức mạnh lớn, có thể giúp ích hoặc gây tổn hại.
2. Lòng và trí là nơi phát xuất lời nói nên chúng ta cần hướng lòng và tâm trí đến những điều cao đẹp và trong sạch.
3. Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói.
4. Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại, lời nói đúng chỗ, đúng lúc có giá trị lớn.
5. Lời nói trong lúc nóng giận thường thiếu khôn ngoan và đưa đến những hậu quả tai hại.
6. Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ thêm.
7. Nói nhiều sẽ vấp váp nhiều và lầm lỗi nhiều.
8. Chúng ta cần nói thật với nhau nhưng nói với lòng yêu thương.
9. Khi cần nói, hãy nói đàng hoàng, rõ ràng, đừng cằn nhằn than van.
10. Hãy mau nghe, chậm nói, chậm giận.
Hôm nay chúng tôi xin trình bày nguyên tắc thứ 10 mà Chúa đã để lại cho chúng ta trong Kinh Thánh. Đây là nguyên tắc chính, bao trùm tất cả 9 nguyên tắc chúng tôi vừa kể. Nguyên tắc này được ghi trong lá thư của sứ đồ Gia-cơ, thuộc phần Thánh Kinh Tân Ước. Thánh Gia-cơ khuyên:
Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19)
Mạnh lệnh của Chúa là chúng ta phải mau nghe nhưng chậm nói và chậm giận. Chúa muốn chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng nghe, đừng vội nói mà cũng đừng nhạy giận hay mau giận. Mạng lệnh này tuy ngắn nhưng thật khó vâng theo. Không những thế, chúng ta thường làm ngược lại, tức là chúng ta thường chậm nghe, mau nói và rất nhạy giận. Đây không phải là khuyết điểm của một vài người nhưng hầu như tất cả chúng ta đều vấp phải lỗi lầm này. Vốn bản tính tội lỗi và ích kỷ, cái tôi của chúng ta rất lớn, vì thế ít khi nào chúng ta yên lặng kiên nhẫn nghe người khác nói. Trái lại chúng ta thường tranh nhau nói, nói nhiều, nói cách vội vàng và cũng rất dễ nổi giận.
Trong đời sống quá máy móc và quá bận rộn nầy, món quà quý nhất mà vợ chồng có thể tặng cho nhau là lắng nghe tâm tình của nhau. Khi chúng ta lắng nghe một người nói, chứng tỏ chúng ta thật sự yêu thương và quan tâm đến người đó. Nếu khi chồng nói mà vợ yên lặng lắng nghe hay vợ nói mà chồng chú ý lắng nghe sẽ khiến người đang nói cảm thấy sung sướng vì thấy mình được người phối ngẫu quan tâm và quý trọng. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Nếu khi cha mẹ có điều muốn nói mà con cái sẵn sàng gác công việc qua một bên và kiên nhẫn lắng nghe, thật không có điều gì làm cha mẹ vui hơn. Tương tự như thế, khi con cái có điều muốn thưa với cha mẹ mà cha mẹ sẵn sàng chú ý nghe, con sẽ thấy sung sướng trong lòng. Bao nhiêu buồn giận, lo lắng cũng nhờ đó mà tiêu tan hết.
Thái độ sẵn sàng lắng nghe là điều quan trọng trong sự đối thoại giữa chúng ta và người chung quanh, nhất là trong đời sống vợ chồng. Nếu để ý quan sát chúng ta sẽ thấy rằng vì lịch sự chúng ta kiên nhẫn lắng nghe bạn bè hay người khác nói nhưng đối với vợ hay chồng, vì không cần giữ lịch sự nữa nên chẳng mấy khi chúng ta chú ý lắng nghe. Có những vợ chồng không bao giờ trò chuyện với nhau vì chẳng người nào muốn nghe người nào, hoặc người này muốn nói nhưng người kia không muốn nghe. Có những vợ chồng hết ngày này qua ngày khác chỉ trao đổi với nhau những câu nói cần thiết cho sự sống hằng ngày còn ngoài ra chẳng bao giờ tâm tình với nhau. Chẳng những thế, có vợ chồng thì mỗi khi nói với nhau chỉ nói cách cộc cằn không chút tình thương yêu.
Có những bà vợ chẳng bao giờ nói lên được những điều chất chứa trong lòng vì chồng không muốn nghe, hoặc vì ông chồng quá độc tài chỉ muốn vợ con nghe lệnh của mình và làm theo chứ không bao giờ muốn nghe tiếng nói của vợ con. Ngược lại cũng có những ông chồng khi có vợ bên cạnh không nói được nửa lời vì bà vợ dành nói hết chứ chẳng khi nào yên lặng nghe. Trong những gia đình đó vợ chồng thiếu đối thoại với nhau nên thướng có nhiều điều hiểu lầm nhau và buồn giận nhau.
Có người nói rằng, khi một người có điều muốn nói mà chúng ta sẵn sàng lắng nghe là chúng ta đã tặng cho người đó một món quà quý. Món quà đó là thì giờ và lòng quan tâm của chúng ta, là điều không tiền bạc nào có thể mua được. Quý vị có thể thử xem điều người ta nói có đúng hay không bằng cách dành cho vợ, chồng, cha, mẹ hay con của mình một thì giờ nào đó, hoàn toàn yên tĩnh và rỗi rảnh để lắng nghe tâm tình hay nan đề của người đó. Sau khi nói và có người lắng nghe, chúng ta sẽ thấy người đó vui vẻ, trong lòng nhẹ nhàng, dù nan đề chưa được giải quyết. Trong đời sống vợ chồng cũng thế, chú ý lắng nghe tâm tình của nhau là điều rất quan trọng. Nhờ dành thì giờ lắng nghe mà nhiều gia đình đã tránh được những chuyện hiểu lầm hay phiền giận nhau.
Trong đời sống ai cũng có những tâm tình, những ưu tư muốn chia xẻ với người khác nhưng không có mấy ai sẵn sàng lắng nghe. Chính vì thế mà lắm khi chúng ta đâm ra chán nản, tinh thần căng thẳng, bực dọc, muốn buông xuôi tất cả. Có những người không nói được với vợ, với chồng nên phải tìm đến những nhà tâm lý, những người khải đạo. Phải trả từ 70, 80 đến 100 Mỹ kim một giờ để được những người đó lắng nghe tâm tình hay nan đề của mình. Trong xã hội máy móc và phi nhân tính này, chúng ta rất cần có người lắng nghe chúng ta chia xẻ những điều chất chứa trong lòng.
Thánh Kinh nhiều lần nói rằng Đức Chúa Trời yêu chúng ta và sẵn sàng nghe lời cầu xin của chúng ta. Khi chúng ta đến trước mặt Chúa, dâng lên Ngài nỗi niềm tâm sự của mình, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng vì biết rằng Chúa đã dủ nghe. Trong Thi Thiên 34 tác giả viết:
Mắt Chúa Hằng Hữu đoái xem người công bình, tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ…Người công bình kêu cầu, Chúa bèn nghe và giải cứu người khỏi các sự gian truân (câu 13-14)
“Nghe” và “lắng nghe” là hai việc khác nhau. Khi chúng ta nghe một người nói có nghĩa là chúng ta chú ý để thâu nhặt dữ kiện hay những chi tiết cần thiết, cho một mục đích nào đó. Chẳng hạn như khi phóng viên nhà báo đi phỏng vấn một người nào. Mục đích của phóng viên là chú ý nghe và ghi chép đầy đủ dữ kiện để trình bày trong bài báo của mình. “Lắng nghe” trái lại, là chú ý nghe với lòng quan tâm để có thể hiểu và thông cảm với người đang nói. Trong khi nghe, chúng ta thường để ý đến cảm xúc của mình và những tư tưởng trong trí mình. Còn khi lắng nghe là chúng ta chú ý để hiểu được cảm xúc của người đang nói, để biết người đó đang nghĩ gì và muốn bày tỏ những cảm xúc nào.
Theo tác giả Norman Wright, một nhà tâm lý học Cơ đốc, cho biết thì mỗi khi nghe một người nói với mình, chúng ta có thể để ý đến những chi tiết sau đây để biết mình chỉ nghe hay thật sự lắng nghe:
· Chúng ta thật sự lắng nghe nếu khi người kia nói, chúng ta không suy nghĩ những điều mình sẽ nói và chỉ chờ người kia dứt lời để mình nói.
· Chúng ta thật sự lắng nghe nếu chúng ta tiếp nhận lời nói của người kia mà trong trí không ngấm ngầm phê phán cách nói hay câu nói của người đó.
· Chúng ta thật sự lắng nghe nếu khi người kia nói xong, chúng ta có thể nhắc lại điều người đó nói và cũng mô tả đúng cảm xúc của người đó nữa.
Một người biết lắng nghe là người thật sự chú ý đến ý kiến, cảm xúc và tâm tình của người đang nói để có thể thông cảm với người đó. Đến đây có lẽ quý vị thấy thật ít khi nào chúng ta có được một người lắng nghe mình nói. Ngay cả vợ hay chồng của chúng ta cũng chẳng mấy khi lắng nghe để thật sự thông cảm với chúng ta.
Nếu để ý quan sát chúng ta sẽ thấy thường thường vợ chồng không những ít lắng nghe nhau mà trái lại khi một người nói người kia thường ngắt lời không cho nói hoặc cướp lời người đang nói. Khi bà vợ mở miệng định nói điều gì các ông thường bảo: “Thôi, tôi biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Hoặc khi ông chồng định chia xẻ điều gì thì bà vợ nói: “Thôi, tôi biết rồi, ông không cần phải nói nữa!” Những người nói: “Tôi biết rồi, đừng nói nữa” là những người thật sự chưa biết gì cả. Vì chưa nghe làm sao biết được? Bản tính chung của mọi người là muốn nói hơn là nghe, sẵn sàng nói chứ ít khi nào sẵn sàng nghe. Vì thế muốn thực hành nguyên tắc Chúa dạy chúng ta phải nhờ sức của Chúa, cũng phải tập luyện và đặt kỷ luật cho chính mình.
Để tập có thói quen lắng nghe khi người khác nói, chúng ta có thể thử điều sau đây: Bắt đầu từ ngày hôm nay khi người thân có điều muốn nói, chúng ta sẽ chú ý lắng nghe, đừng ngắt lời, đừng làm ngơ cũng đừng chú tâm vào việc khác. Chúng ta cứ yên lặng nghe, không những nghe lời người đó nói mà cũng chú ý vào cách nói, giọng nói, nét mặt diễn tả trong khi nói. Không những thế, chúng ta hãy thử đặt mình vào tâm trạng của người đang nói. Khi chú ý lắng nghe như thế chúng ta sẽ hiểu và thông cảm người thân hơn. Người đó sẽ thấy gần với chúng ta hơn và mối quan hệ giữa hai người sẽ trở nên đậm đà khắng khít (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành