Mục Đích Hôn Nhân (Bài 12)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay, qua tiết mục này chúng tôi trình bày Lời Chúa dạy liên quan đến hôn nhân và gia đình. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục chia xẻ những điều chúng ta cần thực hành để tình cảm vợ chồng luôn được ngọt ngào tốt đẹp, hầu vợ chồng chúng ta sẽ gắn bó với nhau suốt đời như mạng lệnh Chúa truyền: “Vợ chồng không còn là hai nữa mà chỉ là một thịt. Vậy, loài người không được phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Ma-thi-ơ 19:6).
Như chúng ta đã biết, để vợ chồng tâm đầu ý hiệp, thông cảm nhau và thật sự yêu thương gắn bó với nhau, chúng ta cần dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ và lắng nghe để hiểu nhau và thông cảm nhau. Nói, nghe, hiểu và thông cảm là bốn bước quan trọng trong tiến trình đối thoại. Chúng ta cần nói lên điều mình suy nghĩ và cần có người lắng nghe, nghe để hiểu và thông cảm chứ không phải chỉ nghe qua loa chiếu lệ, hoặc nghe với định kiến để rồi phiền giận. Chúa biết tiến trình đối thoại rất quan trọng, Ngài muốn chúng ta áp dụng nguyên tắc này với mọi người, nhất là với người chúng ta yêu thương hơn hết, là người bạn đời mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vì thế Chúa hướng dẫn sứ đồ Gia-cơ truyền cho chúng ta lời khuyên vắn tắt nhưng rất quan trọng sau đây: “Anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.” Đây là mạng lệnh chúng ta cần vâng theo, không phải là lời khuyên hay đề nghị chúng ta nên làm. Nghe mạng lệnh này, có người nói: “Tính tôi là nói nhiều, có gì suy nghĩ trong lòng là phải nói ra, tôi không thể chậm nói vì không nói không chịu được!” Hoặc người thì nói: “Tính tôi nóng lắm, ai nói gì hay làm gì không đúng ý tôi hay đụng chạm đến tôi là tôi nổi giận liền, không thể giữ trong lòng.” Những người nói như vậy hàm ý rằng, tôi không thể nào làm theo mạng lệnh “Mau nghe, chậm nói, chậm giận,” vì như vậy là ngược với bản tính của tôi. Chúa biết rõ điều đó nên Lời Chúa dạy rõ ràng rằng: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận,” nghĩa là không miễn trừ một ai.
Chúa không bao giờ truyền dạy chúng ta làm điều gì mà Ngài biết chúng ta không thể làm được; Chúa cũng không bảo chúng ta làm những điều không đem lại lợi lợi ích hay ơn phước cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần cầu xin Chúa ban thêm ơn sức để có thể vâng theo mạng lệnh của Ngài, và như lời Kinh Thánh dạy, chúng ta chắc chắn sẽ được phước khi vâng lời Chúa. Bản chất yếu đuối, ích kỷ trong con người có thể khiến chúng ta thấy khó vâng theo mạng lệnh của Chúa nhưng một khi vâng theo lời Chúa dạy, chúng ta không bao giờ bị thất bại hay thua thiệt. Nếu chúng ta thật lòng muốn vâng Lời Chúa, Ngài sẽ giúp sức hoặc thay đổi tâm tính, để chúng ta có thể vâng theo mạng lệnh của Ngài.
Nếu chúng ta là người ít nói, ngại nói ra những gì mình suy nghĩ trong lòng nhưng vâng lời Chúa và muốn tạo mối cảm thông giữa vợ chồng, hãy nhờ Chúa, tập nói lên điều mình suy nghĩ. Tương tự như vậy, nếu biết mình là người nóng tính, hay nổi giận, nhưng nếu chúng ta quyết tâm vâng lời Chúa và nhờ sức Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta làm chủ chính mình hoặc thay đổi tính nóng giận của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17). Khi chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa và thật sự tôn Chúa làm Chủ đời sống, Ngài sẽ đổi mới chúng ta, khiến chúng ta trở nên người mới, có đủ sức vâng theo Lời Chúa dạy. Trong một lá thư khác, sứ đồ Phao-lô dạy về người có Chúa làm Chủ lời như sau: “Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” (Thư Cô-lô-se 3:1&12, BHĐ). Về cách dùng lời nói, Phao-lô khuyên: “Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người” (Cô-lô-se 4:6). Nếu chúng ta biết Lời Chúa dạy nhưng không vâng theo, không thay đổi nhưng muốn sống theo bản tính cũ, không “mau nghe, chậm nói, chậm giận,” không nói lời ân hậu với nhau, đối thoại giữa vợ chồng chắc chắn sẽ bế tắc và hôn nhân sẽ không hạnh phúc.
Nếu lâu nay chúng ta không quen chia xẻ tâm tình với vợ/chồng, cũng không quen nói lên cảm xúc buồn vui, cảm nghĩ trong lòng, chúng ta có thể bắt đầu tập đối thoại với nhau bằng cách chia xẻ về công việc làm ở sở, những việc mình làm mỗi ngày, tức là nói những chuyện không liên quan đến cảm xúc. Chúng ta cũng có thể chia xẻ với nhau những mong ước hay dự tính cho gia đình trong những ngày sắp đến, như ngày mừng sinh nhật của con cái, kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng, v.v… Những lúc đó chúng ta hãy tập: chồng đề nghị thì vợ lắng nghe hoặc vợ đưa ra ý kiến thì chồng lắng nghe và đồng ý nếu điều đó có thể thực hiện được. Chúng ta cũng chia xẻ với nhau những ưu tư lo lắng và vợ chồng dành thì giờ cùng cầu nguyện với nhau. Chúng ta đã nghe câu: “Vạn sự khởi đầu nan,” hàm ý việc gì làm lần đầu tiên, chưa kinh nghiệm, chưa biết, bao giờ cũng khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được.
Nếu từ trước đến nay vợ chồng chẳng khi nào trò chuyện với nhau, bây giờ bắt đầu tập nói chuyện, tập chia xẻ với nhau có thể là điều khó, vì vậy chúng ta có thể tập nói những chuyện đơn giản, nhẹ nhàng. Chẳng hạn như sau một ngày bận rộn lo nhiều công việc, cuối ngày găp nhau chúng ta tập hỏi thăm nhau. Chẳng hạn, chồng hỏi vợ: “Bữa nay ở nhà có gì lạ không em? Các con có ngoan không?” Nếu vợ/chồng đều đi làm ở ngoài, cuối ngày gặp nhau chúng ta hỏi thăm về công việc ở sở, như vợ hỏi chồng: “Công việc của anh ở sở bữa nay có bận lắm không, có mệt không; hoặc hỏi hôm nay trong sở có gì lạ không?” Chúng ta không hỏi cách qua loa chiếu lệ nhưng thật lòng quan tâm muốn biết vợ hay chồng mình đã trải qua một ngày như thế nào. Điều quan trọng là khi người này hỏi, người kia trả lời cách vui vẻ, hăng hái; nếu không, đối thoại cũng sẽ bế tắc. Một điều quan trọng khác khi hỏi thăm nhau là: khi người phối ngẫu trả lời, chúng ta cũng chia xẻ những việc mình làm hay những người mình gặp trong ngày, chia xẻ cách vui vẻ và thành thật, từ đó vợ chồng sẽ quen trò chuyện với nhau.
Có những vợ chồng lấy lý do vì bận lo cho con cái nên không có thì giờ nói chuyện với nhau hoặc chỉ thích nói chuyện với bạn, các bà nói với các bà, các ông nói với các ông, còn vợ chồng thì lại ít nói hoặc không muốn nói chuyện với nhau. Chúng ta cần bỏ đi sự ngại ngùng đó và tập trò chuyện, vui vẻ với nhau, để chúng ta không chỉ sống với nhau trong bổn phận vợ/chồng nhưng cũng là bạn của nhau, người bạn thân nhất, gần gũi nhất, có thể chia xẻ với nhau tất cả những buồn vui, thành công, thất bại cũng như những ước mơ trong đời sống. Để vợ chồng thật sự gắn bó với nhau trong hạnh phúc, ngọt ngào suốt cả cuộc đời, chúng ta phải là bạn của nhau, người bạn thân nhất, gần gũi nhất trong cuộc đời chúng ta (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành