Nguồn Gốc Lễ Tạ Ơn
Thấm thoát mà chúng ta đã bước vào những tháng cuối cùng của một năm, với nhiều ngày lễ đặc biệt. Trong tháng Mười Một chúng ta có lễ Tạ Ơn và tháng Mười Hai là lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống trần chịu chết để ban ơn cứu rỗi cho loài người. Dù định cư ở Hoa Kỳ đã mấy mươi năm hay chỉ năm, bảy năm, chúng ta đều biết Lễ Tạ Ơn là vào ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11. Trong cuối tuần này con cháu chúng ta được nghỉ học, hầu hết công sở cũng đóng cửa nên chúng ta được nghỉ làm. Ước mong rằng vì được nghỉ làm, nghỉ học nhân dịp Lễ Tạ Ơn nên chúng ta biết rõ ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này. Dù gần hai năm qua, vì bệnh dịch Covid 19 chúng ta phải đối diện với khó khăn, có người mất người thân yêu, mất việc làm, dù vậy chúng ta vẫn có nhiều điều để cảm tạ Chúa. Là người dân sống trong đất nước này, chúng ta được chăm sóc sức khỏe, được cung ứng đầy đủ thức ăn, thuốc men và những điều cần yếu hằng ngày, những người mất việc làm cũng đuợc chính phủ tiếp trợ giúp đỡ.
Lễ Tạ Ơn không phải là dịp để chúng ta cảm ơn ông bà, cha mẹ, người phối ngẫu hay bất cứ một người nào, vì chúng ta đã có ngày Từ Phụ trong tháng 6, ngày Từ Mẫu trong tháng 5 để tạ ơn các bậc sinh thành. Chúng ta cũng có ngày dành cho ông bà nội ngoại vào tháng 9. Lễ Tạ Ơn là ngày dành riêng để người dân trong nước dâng lên Thiên Chúa, là Đức Chúa Trời, lời cảm tạ và lòng biết ơn về sự quan phòng dẫn dắt của Ngài trong suốt một năm. Hoa kỳ là quốc gia của những người di dân, là tập họp của người từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Lễ Tạ Ơn phát xuất từ một nhóm người di dân đến Hoa Kỳ, với mục đích cảm tạ Đức Chúa Trời về sự dẫn dắt và hồng ân Chúa ban cho họ trong vùng đất mới. Chúng ta cũng là những người di dân, từ Việt Nam đến sống tại đất nước này, vì thế lễ Tạ Ơn cũng thích hợp và có một ý nghĩa đặc biệt với chúng ta. Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên tổ chức vào năm 1621. Sau khi gặt hái được vụ mùa đầu tiên tại vùng đất mới, nhóm người di dân từ Anh Quốc tổ chức một buổi lễ để cảm tạ Đức Chúa Trời đã dẫn dắt họ đến bến bờ tự do, gìn giữ họ khỏi những hiểm nguy trên vùng đất xa lạ và cho họ thu được nông sản trong mùa gặt đầu tiên. Những nhóm di dân khác đến đất nước này sau đó cũng tiếp tục giữ ngày lễ Tạ Ơn để dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ và lòng biết ơn.
Người Việt chúng ta, luôn đề cao lòng biết ơn Trời nên chắc hẳn chúng ta cũng muốn giữ ngày lễ Tạ Ơn để cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã đưa dẫn chúng ta đến đất nước này cũng như ban cho gia đình chúng ta biết bao nhiêu ơn lành, về vật chất cũng như tinh thần. Dù Lễ Tạ Ơn đầu tiên được tổ chức vào năm 1621, nhưng đến hơn hai trăm năm sau, tức là vào năm 1863, dưới thời Tổng Thống Abraham Lincoln, lễ này mới chính thức trở thành một quốc lễ, tức là cho cả nước. Lúc đó Hoa kỳ đang trong cuộc nội chiến Nam-Bắc, tình hình khó khăn, tương lai mờ mịt, nhưng Tổng Thống Lincoln kêu gọi dân chúng dành một ngày đặc biệt để dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời Toàn Năng, về những ơn lành Ngài đã ban.
Hôm nay chúng ta cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn: Bệnh dịch Covid 19 vẫn còn đe dọa chứ chưa chấm dứt, nhiều người mất công ăn việc làm, thêm vào đó là thiên tai, bão lụt, cháy rừng cháy nhà và bạo hành xảy ra hằng ngày, có lẽ chúng ta nghĩ mình đâu có ơn phước gì để cảm tạ Thiên Chúa? Để tìm câu trả lời, kính mời quý vị cùng nhìn vào hoàn cảnh đen tối của Hoa Kỳ năm 1863, khi Tổng Thống Lincoln chọn ngày lễ Tạ Ơn để mọi người dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời. Ông đã nêu những lý do gì để kêu gọi dân chúng tạ ơn Chúa? Chúng tôi xin trích lại một phần trong bài diễn văn của Tổng Thống Lincoln như sau:
Một năm nữa lại sắp chấm dứt. Chúng ta đã đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả từ đồng ruộng và bầu trời an lành. Ngoài những phước lành đó chúng ta còn được hưởng nhiều ơn phước khác, những ơn phước lạ thường. Những phước lành lớn lao này có thể thâm nhập hay đi thấu vào những tấm lòng vốn thờ ơ trước sự quan phòng và dẫn dắt kỳ diệu của Đức Chúa Trời Toàn Năng, khiến những tấm lòng thờ ơ đó phải mềm đi. Trong hoàn cảnh chiến tranh, trước những đổ nát điêu tàn khủng khiếp và lớn lao, trật tự đã được vãn hồi. Mọi người dân tôn trọng và tuân giữ luật lệ; hòa bình và sự hài hòa đã chiếm ngự khắp nơi, ngoại trừ ngoài chiến trường, giữa đám quân lính. Dù nhà nông phải chia xẻ của cải, thực phẩm và nhân lực cho việc phòng thủ quốc gia, cày bừa, xe cộ, tàu bè vẫn được mọi người sử dụng và hoạt động bình thường chứ không bị ngưng trệ. Dân số trong nước cũng tiếp tục gia tăng và đất nước ngày càng được hưởng tự do nhiều hơn, rộng rãi hơn. Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng dẫn hay do bàn tay con người làm nên. Tất cả những điều đó là món quà đặc biệt và quý giá mà Đức Chúa Trời Toàn Năng đã ban cho chúng ta. Trong khi nghiêm khắc sửa dạy lầm lỗi của chúng ta, Chúa vẫn nhớ đến đức nhân từ của Ngài.
Tôi thấy rằng chúng ta cần nghĩ đến những phước lành Chúa ban với lòng khiêm nhường, cung kính và biết ơn. Người dân Hoa kỳ cần có đồng một lòng, một tiếng nói dâng lên Đức Chúa Trời lòng biết ơn. Vì thế tôi xin trân trọng gọi mời tất cả quốc dân Hoa Kỳ, từ các thành phố, làng mạc, trong các phần của đất nước, luôn cả những người đang đi trên biển cả hay đang sống ở nước ngoài, hãy dành ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một sắp đến đây làm ngày Cảm Tạ và tôn cao Cha của chúng ta, là Đấng cai quản trên các từng trời. Tôi cũng kêu gọi đồng bào hãy quan tâm chăm sóc cứu giúp những người đã trở t hành góa bụa, mồ côi; những người đang than khóc và đau khổ vì ảnh hưởng của chiến tranh. Những đau thương này chúng ta không tránh được. Xin đồng bào hết lòng khẩn cầu Đức Chúa Trời Toàn Năng chữa lành những thương đau của đất nước và phục hồi đất nước chúng ta, theo ý định tốt lành của Ngài, hầu chúng ta sớm được hưởng trọn vẹn bình an, hài hòa, yên lành và hiệp một.
Washington, Ngày 3 Tháng Mười, Năm 1863 – Năm Của Chúa Chúng Ta
Ký tên: Abraham Lincoln
Để kết thúc Câu Chuyện Gia Đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị một bài thơ tiếng Anh, mô tả những điều chúng ta thường phàn nàn, nhưng đó chính là phước lành Chúa ban mà chúng ta cần dâng lời cảm tạ Ngài. Bài thơ đó viết trong tiếng Anh, chúng tôi xin phỏng dịch như sau:
Hãy cảm tạ Chúa khi áo quần Bạn bị chật, vì điều đó chứng tỏ Bạn không thiếu ăn
Hãy cảm tạ Chúa khi Bạn phải vất vả thu dọn sau một bữa tiệc, vì điều đó cho thấy Bạn còn có bạn bè và người thân bên mình.
Hãy cảm tạ Chúa về tiền thuế Bạn phải đóng hằng tháng, vì chứng tỏ Bạn không thất nghiệp.
Hãy cảm tạ Chúa khi Bạn phải làm vườn, cắt cỏ, vì như thế là Bạn đang sở hữu ngôi nhà mình ở.
Hãy cảm tạ Chúa khi Bạn phải trả tiền sưởi trong mùa đông vì chứng tỏ Bạn đã được sưởi ấm.
Hãy biết ơn Chúa khi Bạn phải giặt nhiều quần áo, vì như thế là Bạn có dư áo quần để mặc.
Hãy cảm tạ Chúa khi Bạn tìm được một chỗ đậu ở cuối bãi đậu xe, vì chứng tỏ Bạn còn sức khỏe, có thể bước đi trên đôi chân mình.
Hãy cảm tạ Chúa khi người ngồi bên cạnh Bạn trong nhà thờ hát sai giọng, vì điều đó cho thấy tai Bạn còn bén nhạy.
Hãy cảm tạ Chúa khi có người phê phán, phàn nàn chính quyền, vì chứng tỏ Bạn đang được sống trong đất nước tự do, Bạn có thể nói lên ý kiến của mình mà không sợ gì cả.
Hãy cảm tạ Chúa khi Bạn bị đồng hồ đánh thức dậy mỗi buổi sáng, vì điều đó chứng tỏ là Bạn vẫn còn sống.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy những phước lành Ngài đang tuôn đổ trên đời sống, để mỗi ngày dâng lên Chúa lời cảm tạ với lòng biết ơn Ngài sâu xa.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành