Sập Cầu
Thưa quý thính giả,
Một tàu container đâm vào một cây cầu lớn ở Baltimore vào sáng sớm Thứ Ba, 26 Tháng Ba vừa qua, làm chiếc cầu bị gãy và rớt xuống dòng sông bên dưới. Tàu container đâm vào một trong những cột trụ của cây cầu làm tổng thể cây cầu bị tan tành như một món đồ chơi. Toàn bộ cây cầu sụm xuống nước chỉ trong vài giây, một cảnh tượng thật bàng hoàng!
Cầu Francis Scott Key là một cây cầu nối liền phía Nam thành phố Baltimore với bang Maryland. Việc cây cầu Francis Scott Key bị sập chẳng những cản trở lưu thông hai miền trên nhưng tai hại hơn là cây cầu sập đã ngăn chận lưu thông hàng hải từ cảng Baltimore là một trong những cảng lớn của Hoa Kỳ. Người ta đang cố gắng tối đa để xây lại cây cầu và thiết lập lưu thông trên cả hai đường thủy và bộ.
Cầu là phương tiện nối liền giữa hai khoảng cách để đem lại liên lạc, giao thông. Cầu bị đứt, liên lạc, giao thông không còn, đem lại phân cách và đổ vỡ! Đó là ý nghĩa trên phương diện thể chất. Đời sống tâm linh của con người cũng giống như vậy. Con người chúng ta do Thiên Chúa tạo dựng, giữa Chúa và chúng ta có mối quan hệ thân thiết, gần gũi, đó là mối quan hệ Cha-con. Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta vì Ngài tạo dựng chúng ta và chúng ta là con của Ngài.
Mối tình Cha-con giữa Thiên Chúa và con người đã bị cắt đứt vì tội lỗi. Ma quỷ đã cám dỗ tổ tiên loài người phạm tội, bất tuân Lời Thiên Chúa và từ đó tội lỗi đã vào thế gian. Vì vậy, mỗi người sinh ra đời là một tội nhân vì tội lỗi di truyền trong bản chất. Đó là nguyên tội hay tội tổ tông. Nhưng con người cũng mắc kỷ tội là tội lỗi do chính mình gây ra. Chúng ta không thể đổ lỗi cho A-đam, nói rằng vì ông phạm tội mà chúng ta bị vạ lây.
Sâu kín trong tâm hồn, mỗi chúng ta đều nhận biết rằng từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã phạm không biết bao nhiêu tội. Từ nói dối, đến ganh ghét. Từ đánh cắp những vật nhỏ của người khác đến những gian dối trong giấy tờ, tiền bạc. Không ai lại không có tội. Tội lỗi đó đã đẩy chúng ta xa Đức Chúa Trời, tạo một khoảng cách rộng lớn giữa con người và Thiên Chúa.
Mọi cố gắng tôn giáo của con người xưa nay là để nối lại khoảng cách đó nhưng tất cả đều vô vọng. Cố gắng của con người cũng giống như người giữa biển Thái Bình cố bơi vào bờ hay như con người trên hành tinh nầy muốn nhảy đến tận mặt trăng. Mọi cố gắng đạo đức của con người đều vô vọng như Kinh Thánh dạy:
Mọi việc công chính của chúng tôi như chiếc áo bẩn (Tiên tri Ê-sai 64:6)
“Việc công chính,” việc tốt của con người nhưng trước mặt Chúa chỉ là chiếc áo bẩn thỉu, nhơ nhớp thì làm sao chúng ta có thể đến với Thiên Chúa toàn thiện được. Vì bản chất tội lỗi nên những gì chúng ta làm sẽ chỉ thêm tội như một thùng nước bẩn, quậy lên sẽ chỉ thêm dơ.
Như vậy làm sao để giải quyết vấn đề khoảng cách giữa Trời và người? Chiếc cầu nối liền phải đến từ Đức Chúa Trời vì về phía con người, chúng ta không làm điều đó được. Thiên Chúa đã giải quyết vấn đề phân cách bằng cách sai Chúa Giê-xu giáng trần để cứu nhân loại. Chúa Giê-xu chính là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Đó là Phúc Âm chúng tôi công bố hôm nay.
Tôn giáo là cố gắng của con người vươn lên Đức Chúa Trời còn Phúc Âm là phương cách Đức Chúa Trời dùng để đem con người lên với Ngài. Chúa Giê-xu là cách duy nhất, là con đường duy nhất có thể đem chúng ta trở về với Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất mang cả hai bản tính Trời và người. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nhưng đã mang hình hài thể xác con người, giáng trần hơn 2,000 năm trước để chuộc tội cho con người qua cái chết của Ngài. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết thay thế. Chúa không phải chết vì Chúa là Đấng vô tội nhưng Ngài chịu chết thay cho chúng ta là con người tội lỗi. Chúa Giê-xu phải mang hình hài thể xác của con người thì cái chết của Chúa mới có giá trị. Chúa Giê-xu đã chết cái chết của một con người với tất cả đau đớn thể xác, tinh thần.
Nhưng Chúa Giê-xu cũng là Đức Chúa Trời bằng chứng là sau khi chết ba ngày Chúa Giê-xu đã sống lại! Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là nhịp cầu duy nhất giữa Đức Chúa Trời với con người vì Ngài vừa là Đức Chúa Trời, vừa là con người.
Vì là Đức Chúa Trời, Ngài giao tiếp với Đức Chúa Trời. Vì là người, Ngài giao tiếp với con người. Chúa Giê-xu như chiếc cầu với hai bản chất Trời người nên Ngài mới có thể nối kết Trời-Người lại với nhau.
Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời để cho thấy con người có thể đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Đức Chúa Giê-xu phán:
Ta là Con Đường, Ta là Chân Lý, Ta là sự sống. Chẳng bởi Ta, không ai được đến cùng Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)
Chúa Giê-xu là con đường duy nhất vì Chúa là Đấng vô tội, chịu chết thay cho con người tội lỗi. Chúa Giê-xu là con đường duy nhất vì Ngài đã từ cõi chết sống lại, Ngài chính là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là chiếc cầu cứu rỗi duy nhất vì Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài cũng là người.
Chiếc cầu nào cũng vậy, muốn đi từ phía nầy qua phía kia, người đi phải bước chân lên cầu. Chúa Giê-xu đã hoàn thành chiếc cầu thập tự giá để đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời nhưng chúng ta phải bước chân lên cầu mới đến được với Thiên Chúa. Chúng ta bước chân lên cầu bằng đức tin, nhận rằng mình là người có tội. Tin rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho mình và nhận Ngài làm Đấng cứu đời mình. Với đức tin đó trong một lời cầu nguyện chân thành, quý vị sẽ được trở về với người Cha thân yêu, lúc nào cũng chờ đợi chúng ta ăn năn, quay bước.
Xin quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc quay trở về với Chúa.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành