Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 16)
Kính chào quý thính giả,
Cảm tạ Chúa cho “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong mấy tuần qua, chúng tôi chia xẻ về “Những Tiêu Chuẩn Giúp Cho Hôn Nhân Được Bền Lâu,” một trong những tiêu chuẩn đó là giữ cho đường dây đối thoại giữa vợ chồng được ngọt ngào tốt đẹp. Dựa vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh và những tài liệu nói về “Đối Thoại trong Hôn Nhân,” chúng tôi xin chia xẻ thêm những điều sau đây với ước mong giúp chúng ta cách trò chuyện, chia xẻ với người phối ngẫu để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm và yêu thương gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời.
Chúng ta biết là vợ chồng cần trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên thì mới hiểu nhau, thông cảm và hiệp nhất. Chúng ta cũng biết là khi vợ chồng quá bận rộn với công việc làm, với trách nhiệm trong gia đình hay phải lo cho con cái sẽ khó có thì giờ cho nhau. Ngoài ra, khi vợ chồng có sở thích khác nhau hay tính tình khác nhau cũng khó tìm những điểm chung để trò chuyện hay tâm tình với nhau. Vì vậy chúng ta cần cố gắng vượt lên trên những bận rộn trong đời sống, những khác biệt về tính tình, sở thích của vợ chồng và quyết tâm dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ với nhau điều mình suy nghĩ hay lo lắng. Tiến sĩ David Mace là người tiên phong trong việc nghiên cứu những phương cách giúp vợ chồng bảo tồn hạnh phúc trong hôn nhân. Khi nghiên cứu đề tài “Đối Thoại trong Hôn Nhân,” Tiến sĩ Mace và một số tác giả nhận thấy rằng hầu hết các đôi vợ chồng thường trao đổi hay trò chuyện với nhau theo năm mức độ đối thoại sau đây.
- Mức độ Đối Thoại I: Trao đổi với nhau những câu nói có tính cách xã giao, khuôn sáo.
- Mức độ Đối Thoại II: Trao đổi về những sự kiện hay sự việc xảy ra chung quanh, là điều liên quan đến người khác nhưng không nói lên ý kiến hay cảm nghĩ của mình về những sự việc đó.
- Mức độ Đối Thoại III: Chia xẻ về những sự việc xảy ra trong đời sống và nói lên phần nào ý kiến hay phán đoán của mình về những sự việc đó.
- Mức độ Đối Thoại IV: Vợ chồng chia xẻ với nhau những gì mình suy nghĩ, kể cả cảm xúc vui buồn, ý kiến cá nhân và tình cảm của mình về một người nào hay một vấn đề nào.
- Mức Độ Đối Thoại V: Vợ chồng thành thật nói cho nhau biết điều mình trông mong ở nhau, điều mình mong người người bạn đời quan tâm, thông cảm và cũng mong người bạn đời đáp ứng.
Sau đây chúng tôi xin trình bày chi tiết về năm mức độ đối thoại này để chúng ta thấy rõ và nhìn lại xem vợ chồng mình thường trò chuyện với nhau ở mức độ đối thoại nào, để biết mình có thật sự hiểu nhau, thông cảm và kết hợp làm một với nhau không.
Mức Độ Đối Thoại I: Xã giao
Đây là trường hợp vợ chồng chỉ trao đổi với nhau những lời xã giao, khuôn sáo. Ví dụ như, sau một ngày dài vợ chồng đi làm hay lo một công việc nào đó, cuối ngày gặp nhau vợ hỏi chồng: “Anh khoẻ không?” “Bữa nay anh đi có bị kẹt xe không?” Hoặc chồng hỏi vợ: “Bữa nay em làm gì? Có xong việc không? Hay hỏi “Em có nhớ làm giùm việc anh nhờ không? v.v… Đây là những câu trao đổi có tính cách công việc hoặc qua loa chiếu lệ. Có khi chồng hỏi vợ: “Em khoẻ không?” rồi liền nói sang chuyện khác, nói về những người mình gặp hay kể về một việc gì xảy ra trong sở. Khi hỏi nhau những lời có tính cách xã giao như thế, chúng ta không thật sự quan tâm, không thật sự muốn biết vợ/chồng mình có khoẻ mạnh bình an hay có điều gì muốn nói với mình không. Đối thoại ở mức độ này gọi là: Đối Thoại Xã Giao, đây là cách chúng ta thường trò chuyện với những người mình không thân thiết, không biết nhiều hoặc mới gặp lần đầu. Những lời trao đổi này rất lịch sự nhưng chỉ là xã giao chứ không có gì đặc biệt, cũng không bày tỏ thân tình hay sự gần gũi giữa ta với người đó. Dù vậy, có nhiều vợ chồng cũng không trò chuyện với nhau ở mức độ xã giao này, vì không quen chào nhau, hỏi thăm nhau hay chia xẻ với nhau điều mình suy nghĩ. Thật ra, trong thực tế có những vợ chồng chẳng bao giờ nói chuyện với nhau, chào nhau hay hỏi thăm nhau, Thậm chí có những vợ chồng không bao giờ nói chuyện hay hỏi thăm nhau như bạn mà chỉ nói khi có việc gì cần nhờ, cần giúp, cũng có người, nhất là những vợ chồng lớn tuổi không xưng mình bằng một từ nào mà chỉ nói trống không vì không quen gọi nhau bằng những từ thân yêu.
Mức Độ Đối Thoại II: Sơ giao
Đây là trường hợp vợ chồng chỉ nói cho nhau biết những sự kiện hay sự việc xảy ra chung quanh mình hay trong đời sống nhưng không nói lên ý kiến hay cảm nghĩ của mình. Ví dụ, khi chồng đi làm về, vợ nói: “Bữa nay ở nhà mưa to quá!” Chồng không quan tâm đến câu vợ nói nhưng hỏi: “Ngày mai mấy đứa nhỏ được nghỉ học phải không?” Một ví dụ khác: Người chồng xem tin tức trên mạng rồi buông thõng một câu: “Trên freeway sáng nay có một tai nạn lớn quá!” Người vợ không để ý lời chồng nói nhưng suy nghĩ về việc đóng tiền học cho con nên nói: “Sắp tới ngày phải đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ rồi!” Đây là trường hợp chúng ta gọi: “Ông nói gà bà nói vịt,” hay: “Ông nói gà bà nghe vịt” Tức là điều người nói chia xẻ và điều người nghe đáp lại không liên quan gì đến nhau. Trao đổi sự kiện hay sự việc xảy ra trong đời sống là điều cần thiết và lắm khi rất quan trọng, nhất là khi những điều đó liên quan đến ngày giờ trong thời khoá biểu của gia đình hay có những chi tiết mà vợ chồng cần ghi nhớ để chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ trao đổi với nhau những sự kiện hay con số mình cần biết mà không quan tâm đến ý kiến, cảm xúc hay cảm nghĩ của nhau thì vợ chồng khó có thể hiểu nhau hay cảm thấy gần nhau. Vì lý do đó, mức độ đối thoại này được đặt tên là Đối Thoại Sơ Giao. Một ví dụ cụ thể về mức độ đối thoại này là, khi đi đến một buổi họp, gặp một người không quen biết, vì mới gặp và mới nói chuyện lần đầu, hai người chỉ trao đổi những câu chuyện bâng quơ, không quan trọng; hai người cũng có thể trao đổi tin tức trên báo, trên ti-vi nhưng không nói lên ý kiến hay suy nghĩ của mình về những tin tức đó, vì không biết quan điểm của người kia trước những tin tức đó. Đối thoại Sơ Giao là điều thông thường và được chấp nhận giữa những người ta mới quen hay quen biết lâu nhưng không thân thiết. Nhưng với vợ chồng thì khác, để vợ chồng thật sự hiểu nhau, thông cảm nhau, chúng ta cần đối thoại trong mức độ cao hơn.
Mức Độ Đối Thoại III: Thông giao
Khi vợ chồng nói chuyện với nhau theo mức độ thứ ba này, không phải là xã giao nữa nhưng gọi là thông giao. Khi trò chuyện với nhau ở mức độ thông giao, vợ và chồng không những chia xẻ về sự kiện hay sự việc xảy ra cách rõ ràng chính xác nhưng cũng thêm vào ý kiến hay phán đoán của mình về những sự việc đó. Ví dụ vợ nói với chồng: “Lúc này anh thường đi lo công việc tới khuya mới về, em sợ anh thiếu ngủ rồi bị bệnh đó!” Hoặc chồng nói với vợ: “Anh nghĩ em nên bớt nấu những món cầu kỳ, mất thì giờ mà em đứng nhiều còn thêm đau lưng nữa.” Qua ví dụ này chúng ta thấy cả vợ và chồng đều nói lên sự kiện đã xảy ra và cũng thêm vào suy nghĩ hay điều mình quan tâm. Đối thoại ở mức độ này gọi là Đối Thoại Thông Giao. Trong mức đối thoại này, vợ chồng không trao đổi những lời bâng quơ nhưng nói chuyện với nhau nhiều hơn, đường dây đối thoại mở rộng hơn. Tuy nhiên, nếu vợ chồng thiếu lòng tôn trọng nhau hay không thật lòng yêu nhau, khi nói lên những nhận xét hay ý kiến khác nhau sẽ dễ đưa đến bất đồng ý kiến hay tranh cãi. Vì lý do đó, có những vợ chồng, vì tính tình khác nhau, chủ trương những điều khác nhau, không bao giờ dám nói lên ý kiến hay phán đoán của mình về những sự việc quan trọng, vì sợ ngườ kia không đồng ý rồi phê phán, chê bai khiến vợ chồng có điều bất hoà, không vui. Có người khi nghe điều vợ hay chồng nói thì chê ngay: “Bà biết gì mà nói” hoặc lên án: “Ông hay xét đoán quá, cứ nghĩ xấu về người khác không thôi!” Khi nói với nhau những lời như thế, chúng ta sẽ khiến đối thoại giữa vợ chồng bị tắc nghẽn, sẽ khó mở lại đường dây đối thoại, vì vậy chúng ta cần tránh nói với nhau những lời thiếu tôn trọng hay thiếu khích lệ như vậy (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành