Trộm Cắp
Quý vị có thấy trong những sinh hoạt hằng ngày chúng ta mất rất nhiều thì giờ, công sức, tiền bạc để bảo vệ tài sản của mình không? Mỗi khi ra khỏi nhà chúng ta phải khóa cửa bằng hai ba ổ khóa, xe thì không những khóa mà còn phải để alarm. Nhà thì rào kín chung quanh và có chó canh giữ. Khi đi đến ngân hàng chúng ta phải nhìn trước nhìn sau, để ý người chung quanh và ôm giữ tiền bạc cẩn thận. Không những thế, xe cộ, nhà cửa và những vật dụng, máy móc, nữ trang trong nhà phải có bảo hiểm để nếu bị trộm thì được bồi thường… Chúng ta đang sống trong một đất nước giàu có nhất nhì trên thế giới, nhưng cũng là nơi trộm cắp, gian dối nhất thế giới. Ðiều này cho thấy con người trộm cắp không phải vì nghèo đói, thiếu ăn nhưng vì lòng tham. Nói đúng hơn, vì bản tính tội lỗi trong con người. Ðối với Ðức Chúa Trời, trộm cắp là điều nghiêm trọng nên Ngài phán truyền rõ ràng trong bảng Mười Giới Răn. Giới Răn Thứ Tám, Chúa phán: “Ngươi chớ trộm cắp.”
“Trộm cắp” là “lấy những gì thuộc quyền sở hữu người khác làm của mình mà không có sự đồng ý của người đó, hoặc dùng sự gian dối để được điều mà mình đúng ra không đáng được.” Bất cứ điều gì thuộc về người khác mà chúng ta lấy làm của mình, đó là trộm cắp. Ðiều Răn Thứ Tám thật cần thiết cho xã hội con người. Nó không những cấm ta không được đụng đến những gì thuộc quyền sở hữu người khác, nhưng cũng giúp bảo vệ những gì thuộc quyền sở hữu chính chúng ta. Trộm cướp hay chiếm đoạt những gì thuộc quyền sở hữu người khác là lý do gây ra hận thù giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm người này với nhóm người kia, quốc gia này với quốc gia nọ.
Nói về trộm cướp hay trộm cắp, chúng ta phân biệt hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Chúng ta phạm tội trộm cướp cách trực tiếp khi ta thấy người khác có điều ta không có hoặc điều ta muốn và vì lòng tham, ta tìm cách hoặc chờ khi có cơ hội thuận tiện, đoạt lấy điều đó về cho mình. Ðiều mà chúng ta cố tình lấy có thể là tài sản, tiền bạc, cũng có thể là người, những người đã thuộc về người khác mà ta cố tình chiếm đoạt hay cướp lấy cho mình. Khi một người dùng vũ khí hay sức mạnh để cướp lấy tài vật của người khác, người đó phạm tội trộm cướp. Nếu chúng ta không dùng vũ lực nhưng dùng sự khôn khéo hay mưu chước để đoạt lấy một điều gì thuộc về người khác, chúng ta cũng phạm tội trộm cắp. Có người trộm cắp đồ vật, có người thì trộm cắp danh tiếng, sáng kiến, tư tưởng, công khó hay công nghiệp của người khác. Bất cứ điều gì của người mà ta lấy làm của mình, đó là trộm cướp. Khi một người ra chợ, chen vào đám đông để cướp lấy những đồ vật bày bán trong chợ hay giựt túi tiền của khách hàng, người đó phạm tội trộm cắp. Khi một người lẻn vào vườn của người khác để hái trộm hoa quả, người đó phạm tội ăn cắp. Những người lập băng đảng để cướp nhà hàng, nhà băng là những người cố tình vi phạm điều răn của Chúa. Khi chúng ta cố ý lấy một vật dụng gì của người khác và kể là của mình, chúng ta đã cố tình và trực tiếp phạm tội trộm cắp. Khi một người dụ dỗ người khác bỏ vợ hay chồng để đi theo mình, người đó cũng phạm tội trộm cướp, cướp vợ cướp chồng, cướp tình yêu và hạnh phúc của người khác.
Nhiều người đổ lỗi cho hoàn cảnh về tính hay trộm cắp của mình, cho rằng vì không được dạy dỗ từ nhỏ, hoặc vì nghèo đói nên phải lấy của người khác. Có người thì cho rằng lấy của những người quá giàu hoặc những người bóc lột người nghèo thì không có tội lỗi gì. Nhưng dù chúng ta bào chữa thế nào thì trộm cắp vẫn là tội và người phạm tội sẽ không tránh được hình phạt. Có một trường hợp tội ăn cắp có thể được thông cảm và tha thứ, đó là những người bị một chứng bệnh, gọi là kleptomania. Người bị bệnh này khi có chuyện buồn bực hay khi tinh thần căng thẳng thì trong lòng có sự thúc giục đi ăn cắp để bớt buồn bực hay tâm trí bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm và người bị bệnh rất xấu hổ khi bị bắt vì tội ăn cắp. Những người bị bệnh này cần được gia đình giúp đỡ và các bác sĩ tâm lý chữa trị. Trong gia đình, cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái, nhất là về vấn đề đạo đức và cách cư xử với người chung quanh. Chúng ta không chỉ dạy bằng lời nói nhưng cần dạy bằng lối sống và hành động để làm gương cho con.
Trộm cắp gián tiếp là những lúc chúng ta lấy những gì không phải là của mình mà cho là không sao vì thấy điều ta làm không trực tiếp gây thiệt hại cho ai và thấy chung quanh mình nhiều người cũng làm như thế. Những loại trộm cắp này cũng dễ phạm và có nhiều người phạm mà không cảm thấy áy náy chút nào. Có người khi trộm cắp gián tiếp không nghĩ là mình làm điều quấy, tội lỗi, nhưng lại cho mình làm như thế là khôn ngoan. Nói về nạn trộm cắp gián tiếp, một thống kê của nhật báo USA Today cho biết, có đến 44% dân trong nước gian lận trong việc khai thuế, thiệt hại cho chính phủ đến 100 tỉ đô-la hằng năm; 22% nhân viên lấy cắp đồ vật trong hãng nơi mình làm việc; 33% nhân viên không bị bệnh nhưng gọi vào sở nói là bị bệnh để không phải đi làm.
Ngoài ra còn có những người làm những giấy tờ giả hoặc khai những điều không đúng sự thật để được hưởng đặc ân hoặc trợ cấp vật chất. Tất cả những điều này là trộm cắp gián tiếp vì không chân thật hoặc không đúng sự thật.
Nhiều người nghĩ rằng những việc gian dối nhỏ nhặt mình làm không ai biết nên sẽ không có hại gì nhưng Ðức Chúa Trời là Ðấng thánh khiết, công bình; Ngài nhìn thấy mọi người, mọi việc và Ngài sẽ ban thưởng xứng đáng cho mỗi người. Có lẽ chính quý vị cũng từng thấy những người làm những việc thiếu chân thật để được một lợi lộc nào đó, nhưng đến khi việc làm gian dối bị lộ hay khi có điều bất ngờ xảy ra, sự thật bị phơi bày, những người đó mất tất cả: mất vật chất, mất danh dự, mất lòng tin cậy kính trọng của mọi người. Trong một xã hội đầy mánh mung, gian dối những người sống thành thật thấy như mình nhút nhát, khờ dại nhưng đó là những người khôn ngoan thật, vì biết kính sợ Chúa và tránh điều gian dối.
Loại trộm cắp nguy hiểm và hiện đại nhất ngày nay là trộm cắp lý lịch, giấy tờ, thẻ tín dụng để đoạt lấy tiền bạc hay quyền lợi của người khác. Loại trộm cắp này đang lan tràn khắp nơi và rất nguy hiểm vì người bị cướp không biết và thường bị thiệt hại rất lớn. Văn phòng chuyên nghiên cứu về nạn ăn cắp lý lịch (identity theft) cho biết, tại Mỹ có 9.3 triệu người là nạn nhân của loại cướp này và số tiền bị cướp tổng cộng lên đến trên 52 tỉ Mỹ kim.
Tại Mỹ hằng năm có khoảng 44% dân chúng gian lận trong việc khai thuế và chính phủ bị thiệt hại khoảng 100 tỉ Mỹ kim. Nhiều người nghĩ rằng chính phủ giàu quá, mình gian lận hay trốn thuế cũng không sao. Dù điều chúng ta làm hình như không ai thấy và không ai biết nhưng trong thực tế chính chúng ta biết. Chúng ta biết mình đã làm điều thiếu ngay thẳng và Ðức Chúa Trời, Ðấng nhìn thấy tấm lòng mọi người và mọi việc, cũng biết rõ sự gian dối của chúng ta, và một ngày kia chúng ta sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về những việc làm thiếu chân thật đó.
Như những giới răn khác, Giới Răn Thứ Tám chúng ta cũng rất dễ vấp phải. Vì thế chúng ta cần cẩn thận trong cách sống và cách cư xử hằng ngày. Ðừng bao giờ vì lòng tham, tính ích kỷ hay vì một lợi lộc nào đó mà phạm điều răn của Chúa và gây tai hại, tổn thương cho người khác.
Ðể không phạm giới răn của Chúa, là giới răn Chúa phán “Ngươi chớ trộm cắp,” chúng ta cần tập thỏa lòng với những điều mình có và biết ơn Chúa về những điều Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta cũng cần tập tính tôn trọng những gì thuộc quyền sở hữu của người khác. Tích cực hơn, chúng ta nên nghĩ đến những người kém may mắn chung quanh mình và tìm cách chia xẻ điều ta có để giúp đỡ họ như lời sứ đồ Phao-lô khuyên:
Tôi từng bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối và nhớ lại lời chính Ðức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh (Công vụ 20:35)
Lời dạy nầy hàm ý rằng: “Người biết san sẻ có phước hơn những người chỉ biết thâu đoạt và tích lũy cho mình!”
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành