Xây Dựng Hôn Nhân (Bài 42)
Nguyên Tắc VIII: Giữ Cho Tình Yêu Luôn Nồng Thắm
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa hôm nay chúng tôi lại được đến với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Quý vị đang sống trong hôn nhân nhưng hôn nhân của quý vị như thế nào? Ngọt ngào êm ấm hay căng thẳng, buồn chán và đầy nước mắt vì vợ chồng không còn yêu nhau như buổi ban đầu? Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân để con người không cô đơn nhưng được hưởng phước hạnh của Chúa bên cạnh người bạn đời. Tuy nhiên vì vợ chồng sống với nhau bằng tình yêu ích kỷ thay vì tình yêu của Chúa, là tình yêu hy sinh, tình yêu trưởng thành nên tình yêu giữa vợ chồng dần dần phai tàn và chết. Kinh Thánh cho biết tìnhh yêu trưởng thành có những đặc điểm gì, người có tình yêu trưởng thành sẽ sống và cư xử thế nào với người chung quanh, nhất là với người bạn đời là người kết hợp với ta suốt đời. Tình yêu trưởng thành có 8 đặc điểm tích cực và 8 đặc điểm tiêu cực. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi đã nói đến những đặc điểm tích cực của tình yêu trưởng thành. Những đặc điểm đó gồm có: nhịn nhục, nhân từ, vui trong lẽ thật, tha thứ mọi sự, tin cậy mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự và không bao giờ phai tàn.
Hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào tám đặc điểm tiêu cực của tình yêu thật, là những điều người có tình yêu trưởng thành sẽ tránh, không làm. Những đặc điểm đó như sau. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tình yêu thương chẳng ganh tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình” (Thư I Cô-rinh-tô 13:4-6). Đây là tám điều chúng ta không làm khi vợ chồng thật sự yêu nhau:
(1) Không ganh tị. Đặc điểm tiêu cực đầu tiên của tình yêu trưởng thành là không ganh tị. Khi vợ chồng thật lòng yêu nhau, yêu nhau bằng tình yêu trưởng thành sẽ không ganh tị hay ghen tương vì một người nào hay một điều gì. Trái lại, cả hai vợ chồng yên lòng sống trong tình yêu của người bạn đời, không lo rằng ngày nào đó một người nào đó sẽ cướp đi tình yêu người bạn đời dành cho mình. Với tình yêu trưởng thành vợ chồng sẽ không ganh tị khi một người thành công hơn, làm được nhiều việc hơn; cũng không bực bội khi thấy vợ hay chồng dành thì giờ cho con hoặc được con cái yêu thương, gần gũi hơn. Với tình yêu trưởng thành, khi vợ hay chồng thành công hay đạt được kết quả tốt trong công việc, hay được bất cứ điều tốt gì trong đời sống, cả hai vợ chồng sẽ cùng vui, cùng chung hưởng chứ không ganh tị hay ganh ghét nhau.
(2) Không khoe mình: Nếu vợ chồng thật lòng yêu nhau, khi làm được việc gì giỏi, tốt, chúng ta không khoe khoang tài năng hay thành công của mình, khiến người kia mặc cảm vì thấy mình thua kém. Khi làm được việc gì tốt hơn, hay hơn người bạn đời chúng ta cũng không nói cho mọi người biết. Ví dụ, một người chồng trưởng thành dù biết gia đình mình hơn gia đình vợ, sẽ không bao giờ nói: “Trong gia đình anh người nào cũng thành công, đỗ đạt, không như gia đình em.” Nếu gia đình vợ hơn chồng, người vợ cũng không nói: “Anh may mắn lắm mới có người vợ như em, phước lắm mới được làm rể trong gia đình ba má em.” Đó là lời nói và thái độ của người khoe khoang, cho mình là giỏi hơn mọi người, nhất là giỏi hơn người bạn đời.
(3) Không kiêu ngạo: Người kiêu ngạo thường hãnh diện về những điều mình có hay những điều mình đạt được rồi xem thường người khác. Người kiêu ngạo thường nghĩ mình không cần đến ai vì không ai tài giỏi bằng mình. Khi thật lòng yêu người bạn đời chúng ta sẽ không sống với thái độ kiêu ngạo, cho mình là giỏi hơn, khôn ngoan hơn, không cần đến sự giúp đỡ, đóng góp của người kia. Người kiêu ngạo cũng thường nhìn thấy những sai sót của người bạn đời để chê trách chứ ít khi nào thấy điều tốt để khâm phục hay cảm ơn. Người vợ kiêu ngạo sẽ nói với chồng: “Không có tôi giúp thì anh chẳng bao giờ được như ngày nay.” Người vợ kiêu ngạo cũng sẽ chê chồng không biết dạy con, không biết lãnh đạo gia đình, và nói rằng không có mình là con cái hư hỏng hết. Cũng không thiếu những người chồng kiêu ngạo, nghĩ mình là chủ gia đình nên có quyền bắt vợ con phục vụ, mọi việc phải làm theo ý mình thì mới vừa lòng. Xin Chúa giúp chúng ta sống khiêm nhường với người bạn đời cũng như với mọi người chung quanh để được Chúa ban ơn, vì Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6b).
(4) Không cư xử trái lẽ: Người có tình yêu trưởng thành sẽ không cư xử trái lẽ, nghĩa là không làm những điều khiếm nhã, bất xứng, đi ngược với lẽ phải, với đạo đức. Trong vai trò làm vợ, làm chồng, người có tình yêu thật sẽ sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình. Không làm điều gì ngược với lẽ phải hay lẽ tự nhiên, cũng không sống ngược với vai trò của mình. Ví dụ, Lời Chúa dạy vợ phải tôn kính chồng, vâng phục chồng, ở dưới sự lãnh đạo của chồng. Người vợ không cư xử trái lẽ là người dù chồng có nhiều sai sót vẫn kính trọng và vâng phục, vẫn đặt mình dưới sự hướng dẫn của chồng. Tương tự như thế, Chúa dạy chồng phải yêu vợ như Chúa yêu Hội Thánh, hy sinh cho Hội Thánh, và không đối xử cay nghiệt với vợ. Người chồng có tình yêu thật sẽ không cư xử trái lẽ, tức là không khó khăn, không cay nghiệt với vợ nhưng yêu thương chăm sóc và nếu cần, sẵn sàng hy sinh cho vợ nữa.
(5) Không kiếm tư lợi: Tư lợi là lợi riêng, lợi ích cá nhân. Người có tình yêu trưởng thành không tìm kiếm lợi ích cá nhân hay phúc lợi riêng cho mình. Không kiếm tư lợi là yếu tố cũng rất quan trọng trong hôn nhân. Khi không tìm kiếm lợi ích riêng, chúng ta sẽ quan tâm đến niềm vui, hạnh phúc của người phối ngẫu, không những thế, chúng ta sẽ đặt niềm vui, hạnh phúc của người đó lên trên hạnh phúc của mình. Chúng ta sẽ tìm biết xem người phối ngẫu cần điều gì, mong ước điều gì và cố gắng mang lại điều người ấy mong ước. Cách cư xử này phù hợp với lời dạy của Thánh Kinh. Sứ đồ Phao-lô viết: “Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Thư Phi-líp 2:4, BHĐ).
(6) Không nhạy giận: Không nổi giận cách dễ dàng. Vì sống bên cạnh nhau mỗi ngày, chia xẻ tất cả mọi điều, nên vợ chồng khó tránh được những lúc làm phiền lòng nhau. Tuy nhiên, người có tình yêu trưởng thành sẽ không nổi giận khi gặp điều bất ưng hay khi người phối ngẫu gây tổn thương cho mình. Trái lại, sẽ vì tình yêu, kềm chế cơn giận, để không có những hành động hay lời nói thiếu khôn khoan, làm tổn thương tình cảm vợ chồng. Chúa không cấm chúng ta giận, nhưng Lời Chúa dạy chúng ta phải chậm giận và không giận lâu. Những lời nói ra trong khi giận, những hành động làm cho hả giận đều gây tổn hại to lớn và lâu dài. Những lời thóa mạ, chê trách cũng như những đập phá khi giận đem lại những tổn thương lắm khi không thể hàn gắn được, nhất là giữa vợ chồng. Khi điều đáng tiếc này xảy ra, phải nhờ ơn Chúa và có người giúp, vợ chồng mới có thể tha thứ nhau và hàn gắn lại tình cảm đã sứt mẻ. Kinh Thánh dạy: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội, đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn; đừng tạo một cơn hội nào cho ma quỷ” (Thư Ê-phê-sô 4:26-27, BHĐ). Sứ đồ Gia-cơ dạy: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:19-20).
(7) Không nuôi dưỡng điều dữ: Nghĩa là không ghi nhớ lỗi lầm hay thiệt hại người khác gây ra cho mình. Đây cũng là một đặc tính rất cần thiết trong hôn nhân. Khi người phối ngẫu làm điều lầm lỗi, chúng ta cần tha thứ ngay, tha thứ nhiều lần và tha thứ tất cả, cũng không ghi nhớ, không ghim trong lòng lỗi lầm của người đó hay vin vào đó để không kính phục và yêu thương người phối ngẫu nữa. Khi vợ hay chồng làm điều khiến ta buồn hay bị thiệt hại về mặt tình cảm, vật chất, v.v… Chúng ta cần nhờ Chúa, vẫn yêu với tình yêu của Chúa, không nuôi dưỡng những ý tưởng không tốt, không ghim lỗi lầm, trái lại vợ chồng giúp nhau vượt thắng những tổn hại, đau buồn đã xảy ra, và tiếp tục sống bên nhau trong hoà thuận. Đó là không nuôi dưỡng điều dữ.
(8) Không vui về điều bất công: Trong đời sống hằng ngày, những gì không chân thật, không công bình, không phù hợp với Lời Chúa dạy, chúng ta sẽ giúp nhau tránh xa. Chẳng hạn như khi làm ăn buôn bán, trong cách chi dùng tiền bạc, làm giấy tờ, khi trao đổi với người chung quanh, chúng ta hết sức giúp nhau nhìn thấy điều công chính, công bình để ôm giữ lấy và loại bỏ những điều không phù hợp với lẽ thật, trái với Lời Chúa trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi” (Thư I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21-22).
Và điều giá trị nhất, quý nhất của tình yêu thật, tình yêu trưởng thành, là tình yêu đó không bao giờ mất đi hay phai tàn. Dù hoàn cảnh và đời sống thay đổi; sức khỏe đi xuống, nhan sắc ttàn phai, vợ chồng vẫn yêu nhau, quý nhau và quyết tâm đem lại hạnh phúc cho nhau cho đến cuối cuộc đời (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành