Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 43)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui lại được đến với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Trong các Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi trình bày về những nguyên tắc Kinh Thánh dạy về hôn nhân, theo quyển sách tực đề Mười Giới Răn Cho Hôn Nhân do một Mục sư Ed Young ở Texas biên soạn. Chúng tôi đã trình bày từ Nguyên Tắc Thứ I đến thứ VIII. Nguyên tắc thứ 8 là:
Quyết tâm giữ cho tình yêu vợ chồng luôn được nồng thắm
Nan đề lớn trong xã hội ngày nay là vợ chồng để bỏ nhau quá nhiều, quá dễ dàng, dù không ai bị cha mẹ ép buộc phải lấy người mình không thương. Nguyên nhân chính khiến hôn nhân đổ vỡ là vì vợ chồng không thật lòng yêu nhau hoặc yêu nhau bằng tình yêu ích kỷ. Tình yêu là yếu tố quan trọng trong hôn nhân, nhưng hôn nhân không thể bền lâu nếu vợ chồng yêu nhau cách ích kỷ, trái lại, chúng ta cần yêu nhau bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu vị tha, sẵn sàng hy sinh cho phúc lợi của người mình yêu.
Để giữ cho tình yêu luôn đậm đà tươi mới vợ chồng cần sống với nhau bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu của người trưởng thành, như sứ đồ Phao-lô mô tả như sau:
Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự (Thư I Cô-rinh-tô 13:4-7, Bản Hiệu Đính)
Với tình yêu trưởng thành, hôn nhân của chúng ta có thể vượt thắng những sóng gió thử thách trong đời và vợ chồng sẽ gắn bó với nhau đến cuối cuộc đời. Nhưng, để có tình yêu của trưởng thành đó, chúng ta cần đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế, tiếp nhận Ngài làm Đấng Cứu Đời và dâng đời sống cho Chúa cai quản, hướng dẫn. Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta, ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, lúc đó chúng ta sẽ có thể sống với người mình yêu thương trong hài hòa, hạnh phúc. Để phát huy tình yêu của Chúa, là tình yêu trưởng thành, và để bày tỏ tình yêu với người phối ngẫu, chúng ta cần thực hành ba điều sau đây: (1) Nói lời lành, lời ân hậu, (2) Thành thật nhận lỗi và sẵn sàng nhận lỗi, (3) Thay đổi chính mình chứ không cố gắng thay đổi người phối ngẫu. Thực hành ba điều này trong đời sống chung sẽ giúp tình yêu vợ chồng được vững mạnh, hôn nhân sẽ ngọt ngào, tươi mới.
Nói lời lành, lời ân hậu
Nguyên tắc đầu tiên là vợ chồng luôn luôn nói với nhau những lời ân hậu nhân từ, ngọt ngào. Đây là lời khích lệ, xây dựng, đem lại niềm vui, phúc lành cho người nghe. Vợ chồng cần nói lời ân hậu với nhau thường xuyên. Trong đời sống hằng ngày chúng ta dùng lời nói rất nhiều, nhưng phải nhận rằng chúng ta thường nói những lời thiếu suy nghĩ, hay nói rồi mới nghĩ. Vì thế thường là những lời thiếu ân hậu, không xây dựng. Đối với những người quá gần gũi, quá thân thương như vợ, chồng, con cái, chúng ta thường nghĩ gì nói nấy, lắm khi nói cho hả cơn giận hoặc nói lên ý của mình một cách quá thẳng quá mạnh, khiến người nghe đau lòng. Nhiều khi chúng ta nói những lời làm tổn thương vợ hay chồng mình mà không biết và khi biết thì đã quá trễ, không lấy lại được những lời tai hại đó. Nếu để ý, chúng ta thấy rằng những lời nói gây thương tổn cho người nghe thường phát xuất từ môi miệng chúng ta cách tự nhiên, còn những lời ân hậu, đem lại an ủi, khích lệ, chúng ta phải suy nghĩ và cân nhắc mới nói được.
Có những vợ chồng có thói quen chê nhau hay nói những lời hạ giá trị nhau trước mặt người khác, nếu thấy người nghe cười thích thú họ lại càng nói thêm nữa. Khi người chồng nói một điều không tốt về vợ thấy bạn bè cười thì người vợ cũng nói lên một điều không đẹp về chồng mình và cứ như thế hai người dùng lời nói để hạ giá trị của nhau. Nói những điều không tốt về người bạn đời để cười cợt là điều tai hại chúng ta phải tránh. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rất nhiều về sức mạnh của lời nói cũng như cách sử dụng lời nói. Đặc biệt sách Châm Ngôn trong Cựu Ước, dạy về ảnh hưởng của lời nói. Châm Ngôn 18:21 dạy:
Sống chết ở nơi quyền của lưỡi, kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó!
Thật đúng như vậy, lời nói có thể đem lại niềm vui, sức sống nhưng cũng có thể giết chết hy vọng hay hạnh phúc của con người. Chúng ta nói năng như thế nào một ngày kia sẽ gặt lấy kết quả hay hậu quả của những lời mình nói.
Trong Kinh Thánh Tân Ước, sứ đồ Gia-cơ cho biết cái lưỡi là phần rất nhỏ trong thân thể con người nhưng có ảnh hưởng lớn và rất khó kiểm soát. Ông viết:
Cái lưỡi cũng là ngọn lửa. Trong các chi thể của chúng ta, lưỡi là thế giới của tội ác, làm ô uế toàn thân, đốt cháy cả cuộc đời và chính nó cũng bị lửa địa ngục đốt cháy… Chúng ta dùng lưỡi để chúc tụng Chúa, Cha chúng ta, và cũng dùng nó để nguyền rủa loài người, là loài được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Từ một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn nguyền rủa sao? Thưa anh em của tôi, đừng như vậy” (Thư Gia-cơ 3:6, 9-10, BHĐ)
Vì cái lưỡi nguy hiểm và lời nói có thể đem lại sống hay chết, xin Chúa giúp chúng ta dùng lời nói cẩn thận, theo Lời Chúa dạy, để đem lại niềm vui, phước hạnh và sự sống cho người chung quanh, nhất là xin Chúa giúp chúng ta dùng lời nói đem lại phước lành cho người mà Chúa đã ban cho cuộc đời chúng ta. Có người đã nói, cách nhanh nhất để chôn vùi hôn nhân là chúng ta cứ đào bới lên những cái xấu của vợ/chồng mình. Để tránh điều đó, chúng ta hãy luôn luôn nói lời ân hậu với nhau. Nếu chúng ta không bao giờ nói những lời không đẹp với vợ hay chồng mình, đó là điều tốt nhưng chưa đủ, hãy nói lời tích cực, lời khen, lời yêu thương, để khích lệ người phối ngẫu. Chúng ta hãy dùng lời nói thế nào để thật sự đem phước của Chúa đến cho nhau. Vợ chồng nào nói lời ân hậu với nhau, dùng lời nói để đem phước lành của Chúa đến cho nhau, tình yêu của vợ chồng đó sẽ dần dần trở thành tình yêu trưởng thành.
Một nhà tâm lý học nọ, khi quan sát những đôi vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau qua nhiều năm tháng, đã nói lên nhận xét sau: những đôi vợ chồng đó thường bày tỏ tình cảm dành cho nhau qua lời nói, họ thường xuyên nói lời yêu thương với nhau. Có lẽ câu chúng ta ngại nói với vợ hay chồng mình là câu: “Anh yêu em,” hay “Em yêu anh.” Câu nói này tuy ngắn nhưng khi nói lên từ tấm lòng, sẽ có ảnh hưởng rất lớn, khiến người nghe thấy vui trong lòng. Nhưng đối với một số người trong chúng ta đây là câu rất khó nói. Chúng ta cần yêu như Chúa đã yêu. Sứ đồ Giăng viết về tình yêu của Chúa như sau:
Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống (Thư I Giăng 4:7-9, BHĐ)
Đức Chúa Trời yêu chúng ta và Ngài bày tỏ tình yêu đó cách cụ thể qua việc ban Chúa Giê-xu, Con Ngài, xuống trần gian chịu chết vì tội của chúng ta, nhờ đó chúng ta được tha thứ và được sự sống đời đời. Chúa muốn chúng ta cũng yêu như Chúa đã yêu, tức là bày tỏ tình yêu qua việc làm cụ thể, một trong những điều cụ thể đó là nói với nhau những lời yêu thương. Sứ đồ Phao-lô dạy:
Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng, để đem ơn phước đến cho người nghe (Thư Ê-phê-sô 4:29, BHĐ)
Nếu muốn hôn nhân không là điều ta phải chịu đựng hay kéo dài cách vô nghĩa suốt bao nhiêu năm tháng, nhưng là mối quan hệ thiêng liêng tốt đẹp và nếu muốn vợ chồng ngày càng yêu nhau, quý nhau, chúng ta cần tập bày tỏ lòng yêu thương, quý trọng đối với nhau qua lời nói. Hãy tập luôn luôn nói lời ân hậu với người phối ngẫu, là lời đem lại niềm vui, khích lệ. Hãy luôn luôn nói lời xây dựng, nâng đỡ, khích lệ để chữa lành những rạn nứt, những đau buồn trong đời sống. Những lời nhân từ xây dựng sẽ giúp ngọn lửa yêu thương giữa vợ chồng cháy mãi, không bao giờ phai tàn (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành