Mục Đích Hôn Nhân (Bài 15)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Dựa vào những nguyên tắc Kinh Thánh dạy về hôn nhân, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị thêm trong đề tài: “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân” và hôm nay xin đề cập đến mối quan hệ giữa vợ chồng với cha mẹ đôi bên, đây là điều quan trọng vì ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc gia đình. Thường thường khi con cái lập gia đình, dù là con gái lấy chồng hay con trai cưới vợ, cha mẹ đều mừng cho con và vui vì gia đình có thêm một thành viên mới. Nhưng sau đó, khi trở lại đời sống bình thường, cha mẹ có thể buồn vì thấy như mình mất đi một đứa con, nhất là khi đó là đứa con hiếu thảo hoặc là con trai một, con gái duy nhất trong gia đình.
Chúng ta thường nghe những câu tục ngữ hay thấy những cuốn tiểu thuyết nói về quan hệ mẹ chồng với nàng dâu, mẹ vợ với con rể. Có lẽ quý vị cũng nghe câu: “Dâu con, rể khách,” hàm ý rằng khi người con gái về nhà chồng, trở thành con dâu, sẽ có bổn phận với nhà chồng như là một người con trong gia đình. Trái lại, khi một người trở thành con rể trong nhà vợ thì hầu như không có trách nhiệm hay bổn phận với gia đình vợ, nhưng được xem như là khách trong gia đình vợ. Vì quan niệm này, nhiều thiếu nữ không dám lập gia đình với chàng trai nào còn cha mẹ hay sống chung với cha mẹ, và trong thực tế cũng có những nàng dâu phải sống trong đau khổ vì gia đình chồng. Lý do là vì cha mẹ chồng và gia đình chồng trông mong hay đòi hỏi quá nhiều nơi người con dâu. Nhưng đó là quan niệm của xã hội và văn hóa của con người. Để hôn nhân được phước hạnh, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn Chúa dạy, vì Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân, tiêu chuẩn của Chúa là toàn hảo, giúp chúng ta giữ quân bình trong mọi mối quan hệ và đem lại phước hạnh cho mọi người.
Theo tâm lý chung, không ai muốn sống trong cô đơn, nhất là khi đã lớn tuổi. Các bậc cha mẹ cao tuổi thường đau ốm nên dễ buồn, dễ cảm thấy cô đơn vì vậy muốn con cái ở gần bên, thường xuyên thăm viếng, chăm sóc. Còn con cái dù đã lớn khôn và có gia đình riêng cũng muốn cha mẹ thăm hỏi, quan tâm; cần cha mẹ cầu nguyện cho hoặc giúp ý kiến trước những quyết định quan trọng. Đặc biệt là khi đôi vợ chồng trẻ có con, rất cần cha mẹ giúp chăm sóc con. Điều đem lại niềm vui cho đôi bên là khi vợ chồng trẻ có con, những đứa cháu nội/cháu ngoại là cái gạch nối, đem thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái đến gần với nhau, chăm sóc nhau, đáp ứng nhu cầu tình cảm cho nhau: Các cháu nội ngoại cũng đem lại niềm vui cho ông bà, giúp ông bà không cô đơn, còn đôi vợ chồng trẻ cũng vui vì có người chia xẻ gánh nặng trong việc chăm sóc con cái. Vì vậy, nếu đôi vợ chồng trẻ cư xử với cha mẹ với tình yêu thương và lòng thông cảm như Lời Chúa dạy, còn cha mẹ thì thương quý con dâu con rể như con ruột, quan tâm đến hạnh phúc và sự hiệp nhất của vợ chồng con, giữa hai thế hệ sẽ có sự hài hòa, thuận thảo, đem lại niềm vui và phước hạnh cho mọi người trong gia đình chứ không có nan đề như chúng ta vẫn thường nghe.
Chúng ta đều biết đời người rất ngắn ngủi và mong manh, những ngày tháng để cha mẹ và con cái đã trưởng thành được ở gần bên nhau rất quý vì không còn bao nhiêu. Nhiều người ngày nay mong được ở gần bên cha mẹ để bày tỏ lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành nhưng không còn cơ hội nữa vì cha mẹ đã từ giã cõi đời. Vì vậy, hai thế hệ chúng ta cần trân quý nhau, yêu thương nhau để đem lại niềm vui và phước hạnh cho nhau.
Về mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ, Lời Chúa trong Kinh Thánh cho chúng ta hai mạng lệnh quan trọng. Thứ nhất là mạng lệnh Chúa truyền cho người nam khi lập gia đình. Chúa phán:
Người nam phải rời cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thịt (Sáng thế ký 2:24)
Và mạng lệnh thứ hai:
Hãy hiếu kính cha mẹ con, hầu cho con được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu ban cho con (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12)
Trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào mạng lệnh thứ nhất trước, đây là mạng lệnh dành cho những người chuẩn bị bước vào hôn nhân. Mạng lệnh đó là: “Người nam phải rời cha mẹ mà gắn bó với vợ, và cả hai sẽ nên một thịt.” Mạng lệnh này được ghi ba lần trong Kinh Thánh: Lần thứ nhất trong Sáng thế Ký 2:24, khi Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân cho A-đam và Ê-va. Lần thứ hai, khi Chúa Giê-xu trả lời về vấn đề ly dị, Chúa Giê-xu nói với người Pha-ri-si:
Từ ban đầu Đấng Tạo Hóa đã tạo nên người nam và người nữ và phán: Vì lý do đó người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một thịt (Ma-thi-ơ 19:4-5)
Lần thứ ba nguyên tắc này được nhắc đến là khi sứ đồ Phao-lô dạy về bổn phận vợ chồng, ông viết:
Chính vì lý do này, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở nên một thịt (Ê-phê-sô 5:31).
Một nguyên tắc được nhắc đến ba lần: Đức Chúa Trời truyền phán, Chúa Giê-xu và sứ đồ Phao-lô nhắc lại cho thấy đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, chúng ta cần nghiêm chỉnh tuân hành.
Khi đôi bạn trẻ bước vào hôn nhân, chúng ta thường nói là hai người ra riêng hoặc lập gia đình mới. Về mặt pháp lý và xã hội, gia đình mới là một đơn vị độc lập với gia đình cha mẹ nhưng về mặt tình cảm thì sao? Dĩ nhiên, đôi vợ chồng mới không cắt đứt liên hệ hay tình cảm với cha mẹ và anh chị em trong gia đình, trái lại tiếp tục sống trong tình thương của cha mẹ và anh chị em. Khi có gia đình riêng, chúng ta không chỉ quan tâm chăm sóc người phối ngẫu và gia đình mới của mình nhưng vẫn duy trì mối quan hệ thân thương, vẫn quan tâm đến cha mẹ và người thân trong gia đình. Trong trường hợp cha mẹ hay anh chị em ruột thịt đau ốm hay gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta lại càng phải chăm sóc, giúp đỡ nhiều hơn. Tuy nhiên, mạng lệnh của Chúa vẫn không thay đổi: “Người nam sẽ rời cha mẹ mà gắn bó với vợ mình.” “Rời cha mẹ” nghĩa là gì? Tại sao người nam phải rời cha mẹ? Còn người nữ thì sao? Đây là nguyên tắc quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm đến hạnh phúc vợ chồng, vì vậy chúng ta cần hiểu rõ và áp dụng đúng theo lời Chúa dạy.
Trước hết, chúng ta thấy mạng lệnh này có ba bước mà người nam khi cưới vợ cần thực hành. Bước thứ nhất là “rời cha mẹ,” thứ hai là “gắn bó với vợ,” và bước thứ ba là “vợ chồng trở nên một.” Người lập gia đình không những vâng theo mạng lệnh của Chúa nhưng cũng cần làm đúng theo thứ tự Chúa dạy, nghĩa là trước hết rời cha mẹ, rồi đến bước thứ hai là gắn bó với vợ và nhờ đó, đạt đến kết quả là vợ chồng hiệp làm một: một đơn vị gia đình: vợ chồng không phải là hai nữa nhưng là một. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của việc “rời cha mẹ”, có lẽ cũng nên nói thêm là Chúa phán dạy người nam rời cha mẹ mà không nói người nữ phải rời cha mẹ, lý do là vì khi lấy chồng người nữ phải lìa cha mẹ mình là điều tự nhiên, áp dụng trong hầu hết mọi phong tục và văn hóa. Ngoài ra, người nam, tức là người chồng, được Chúa giao cho trách nhiệm làm chủ gia đình, mỗi gia đình chỉ có thể có một người chủ, người nam khi cưới vợ phải làm chủ gia đình mới, vì vậy phải rời gia đình cũ thì mới thật sự làm chủ gia đình mới. Vì lý do đó, các bạn thanh niên cần phải tự lập về mặt tình cảm, tài chánh, không lệ thuộc cha mẹ về những phương diện này thì mới nên có gia đình riêng, vì như thế mới có thể làm chủ gia đình mình, như Lời Chúa dạy. Theo mẫu mực của Chúa, con cái khi sống trong gia đình cha mẹ, ở dưới thẩm quyền và sự bảo bọc của cha mẹ, vâng theo lời cha mẹ dạy bảo, nhưng khi đã khôn lớn và có gia đình riêng, trách nhiệm trước hết là với người phối ngẫu và với gia đình mới. “Rời cha mẹ” chỉ có nghĩa là không tùy thuộc hay nương tựa vào cha mẹ nữa nhưng tùy thuộc và nương tựa vào người bạn đời, và cả hai hiệp một để giúp nhau xây dựng cho hôn nhân của mình được hạnh phúc bền lâu. Các bậc cha mẹ cũng sẽ vui vẻ thỏa nguyện khi thấy gia đình con mình được hạnh phúc vì như thế có nghĩa là cha mẹ đã chu toàn trách nhiệm (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành