Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 44)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Chúng tôi đang trình bày đề tài Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21, dựa vào quyển Mười Giới Răn cho Hôn Nhân do Mục sư Ed Young biên soạn. Dựa vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, để có một hôn nhân bền vững, hạnh phúc, có ít nhất 10 nguyên tắc chúng ta cần áp dụng. Trong Câu Chuyện Gia Đình này chúng tôi đã trình bày từ nguyên tắc 1-8 và hôm nay xin nói thêm về nguyên tắc thứ 8. Nếu muốn có những bài này, xin quý vị liên lạc với chúng tôi theo điện thoại hoặc địa chỉ thông báo ở cuối chương trình, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị. Nguyên tắc thứ 8 là: Quyết tâm giữ cho tình yêu luôn tươi mới nồng thắm. Ngày nay hầu hết các đôi vợ chồng bước vào hôn nhân vì yêu nhau chứ không phải vì cha mẹ ép buộc, tuy nhiên, nếu không quan tâm chăm sóc, tình yêu vợ chồng sẽ phai nhạt nhanh chóng. Để tình yêu vợ chồng không phai nhạt, chúng ta cần thực hành ba điều sau: (1) Nói lời lành, lời ân hậu, (2) Thành thật với nhau và sẵn sàng nhận lỗi, và (3) Thay đổi chính mình thay vì cố gắng thay đổi người phối ngẫu. Trong câu chuyện kỳ trước chúng tôi đã trình bày điều thứ I: Luôn luôn nói lời yêu thương, ân hậu với người bạn đời, hôm nay xin trình bày hai điều còn lại:
- Thành thật với nhau và sẵn sàng nhận lỗi
Ngoài tình yêu, yếu tố quan trọng khác trong hôn nhân là vợ chồng sống chân thật với nhau trong mọi điều, mọi phương diện. Sứ đồ Phao-lô dạy:
Tình yêu thương phải thành thật. Hãy ghê tởm điều dữ, gắn bó với điều lành (Rô-ma 12:9, BHĐ)
Khi thật lòng yêu nhau, vợ chồng sẽ sống với nhau trong tình yêu chân thật, không giấu nhau điều gì nhưng cởi mở, thành thật chia xẻ với nhau mọi điều. Khi vợ chồng thành thật với nhau, chúng ta sẽ tin cậy nhau và trông mong điều tốt ở nhau. Lòng chân thật và tin cậy trong mọi sự chính là dấu hiệu của những người thật lòng yêu nhau. Kinh Thánh dạy:
Tình yêu thương tin mọi sự, hy vọng mọi sự (Thư I Cô-rinh-tô 13:7)
Một điều tốt đẹp khác trong hôn nhân khi vợ chồng thành thật với nhau là chúng ta sẽ sẵn sàng nhận lỗi và sẵn sàng xin lỗi nhau. Trong Kinh Thánh, sứ đồ Gia-cơ viết:
Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bệnh (Thư Gia-cơ 5:16a)
Chúng ta thường nghĩ đến bệnh tật trong thân xác khi cầu nguyện cho nhau, nhưng nguyên tắc Chúa dạy ở đây cũng áp dụng cho những bệnh tật trong tinh thần và tình cảm, nhất là cho những hôn nhân không hạnh phúc. “Xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau” là nguyên tắc chúng ta cần áp dụng trong mối quan hệ với tất cả mọi người, nhưng trong đời sống vợ chồng chúng ta càng cần điều này hơn nữa. Nếu muốn hôn nhân được vững mạnh, như một thân thể khỏe mạnh không bệnh tật, không nan đề, thì vợ chồng phải thành thật với nhau, không có gì che giấu nhau. Vợ chồng cần chia xẻ với nhau mọi điều và sẵn sàng nhận lỗi khi biết mình đã lầm lỗi trong việc làm hay lời nói, và xin người bạn đời tha thứ. Sau đó chúng ta cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Khi chúng ta làm được điều này, những nan đề, hiểu lầm, cũng như sự rạn nứt giữa vợ chồng sẽ được chữa lành.
Trong hôn nhân của người trưởng thành, vợ chồng sẽ sống với nhau bằng tình yêu trưởng thành, cả vợ và chồng đều sẵn sàng nhận lỗi và hạ mình xin lỗi khi lỡ làm tổn thương nhau. Lời xin lỗi đem lại sự chữa lành là lời xin lỗi thành thật, không phải là nói gay hay xin lỗi chiếu lệ, với thái độ bực dọc, nhưng thành thật nhận rằng điều mình làm là sai, là không đúng và thật lòng ân hận về điều đó.
Ví dụ vợ nói với chồng: “Em xin lỗi anh vì tháng này em mua sắm hơi nhiều ngân quỹ gia đình bị thiếu hụt.” Không chỉ xin lỗi nhưng người vợ cũng đem trả những gì không cần và hứa sẽ cẩn thận hơn trong việc mua sắm. Một ví dụ khác, chồng nói với vợ: “Anh xin lỗi em, anh đi ăn với bạn mà quên nói, làm em ở nhà chờ cơm. Lần sau bạn mời, anh sẽ hỏi em trước.”
Khi vợ chồng xin lỗi nhau cách thành thật, nói rõ là mình lỗi ở chỗ nào, trong việc gì, chứ không biện minh, không bào chữa, và hứa sẽ cẩn thận để không tái phạm, người bị tổn thương sẽ dễ dàng chấp nhận, bỏ qua và nan đề sẽ được giải quyết. Khi chúng ta hạ mình xưng tội với Chúa cũng như xưng tội với nhau cách thành thật, Chúa sẽ tha thứ, nâng chúng ta lên và ban phước cho hôn nhân của chúng ta. Kinh Thánh dạy:
Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường (Thư Gia-cơ 4:6)
Nếu vợ chồng quý vị đang có điều phiền giận nhau hay mối quan hệ giữa hai người đang căng thẳng, nặng nề, chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc ‘thành thật nhận lỗi và thành thật xin lỗi,’ chúng ta sẽ thấy đường dây đối thoại được khai thông, vết thương trong lòng được chữa lành. Và quý hơn nữa, khi thành thật xưng tội với nhau chúng ta sẽ được đến gần Chúa, Ngài sẽ tha thứ chúng ta và ban phước tràn đầy trên hôn nhân của chúng ta. Vua Đa-vít ngày xưa viết:
“Phước cho người nào được tha vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình. Phước cho người nào Chúa Hằng Hữukhông kể là gian ác và trong lòng không có điều dối trá” (Thi Thiên 32:1-2).
KinhThánh cũng dạy:
Người nào giấu tội mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ thì sẽ được thương xót (Châm Ngôn 28:13)
Điều thứ ba chúng ta cần áp dụng để có tình yêu vững bền trong hôn nhân, là:
- Thay đổi chính mình, đừng cố gắng thay đổi người bạn đời
Hầu hết vợ chồng khi sống chung với nhau một thời gian, thấy người bạn đời có những điều mình không thích hay không đúng như mình mong muốn thì thường tìm cách thay đổi người đó, để người đó giống như mình, làm những điều mình mong muốn. Bản tính tự nhiên của con người là muốn sửa sai, sửa dạy người khác, muốn sửa đổi, cải thiện người khác. Chúng ta cũng hay dò xét, để ý lỗi lầm và sai sót của người khác để sửa lại theo ý mình, nhất là với người phối ngẫu hay anh chị em trong gia đình.
Có một thiếu nữ kia thấy người yêu có nhiều điều không hợp với mình nhưng vẫn quyết định tiến tới hôn nhân với người đó, với mục tiêu là cô sẽ dần dần thay đổi chồng theo như mình muốn. Nhưng sau một thời gian cô vợ trẻ nói với bạn: “Tôi nghĩ là tôi có thể thay đổi anh ấy theo ý tôi, giống như tôi nhưng sau mười năm chung sống tôi học được điều này. Đó là có những chuyện các bà thấy là quan trọng nhưng các ông không cho là quan trọng. Chẳng hạn như, những chỗ bụi bặm dơ bẩn trong nhà các ông không bao giờ nhìn thấy vì thế không quan tâm lau dọn cho sạch sẽ. Trong khi đó các bà nhìn đâu cũng thấy những chỗ không sạch sẽ, thiếu ngăn nắp, cần phải lau dọn hay sắp xếp lại. Đây là điểm khác biệt trong hormone, trong bản chất giữa nam và nữ mà chúng ta không thể thay đổi được.”
Người vợ nói tiếp: “Từ khi nhận ra sự khác biệt đó giữa hai vợ chồng, tôi không than phiền hay bực bội nữa nhưng chỉ im lặng làm những gì tôi thấy cần làm.”
Nếu chúng ta bước vào hôn nhân với suy nghĩ rằng trách nhiệm của mình là thay đổi người bạn đời, để người đó trở nên tốt hơn, hợp với mình hơn, hôn nhân của chúng ta sẽ có nan đề. Chẳng hạn như vợ muốn nhắc nhở để chồng có tính thứ tự ngăn nắp chứ không bừa bãi, lộn xộn nữa, hoặc người chồng cố gắng thay đổi vợ để vợ nói năng ngọt ngào hơn; biết chiều chồng hơn. Khi cố gắng thay đổi người phối ngẫu theo điều mình mong ước, chúng ta sẽ thất vọng vì không bao giờ đạt được kết quả. Không biết từ đâu mà nhiều người nghĩ rằng mình có thể thay đổi người khác. Thật ra chúng ta phải bỏ đi tư tưởng đó, nhất là đối với người bạn đời. Chúng ta nên tránh chê trách, than phiền, nói khích hay nói xa nói gần để vợ/chồng mìnhthay đổi, trở nên mẫu người mà ta mong muốn.
Chúng ta cũng không nên cầu nguyện xin Chúa thay đổi người phối ngẫu theo ý mình. Đúng ra trách nhiệm của chúng ta là cầu xin Chúa giúp chính mình thay đổi, để nên người trưởng thành hơn, Chính Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta, sẽ giúp chúng ta đổi mới chính mình. Trách nhiệm của chúng ta không phải là thay đổi vợ/chồng mình nhưng hãy chấp nhận, yêu thương người đó vô điều kiện và Chúa sẽ thay đổi, cải thiện những gì Ngài thấy cần thay đổi, cần cải thiện. Quý vị có đang cố gắng tìm cách thay đổi vợ hay chồng mình không? Càng cố gắng chúng ta sẽ càng thất vọng vì đó là điều chúng ta không thể làm, cũng không phải là trách nhiệm của chúng ta. Nếu vợ hay chồng có cách cư xử, nói năng, cách làm việc hay những thói quen chúng ta không thích, không đồng ý, chúng ta cần nhìn lại xem những điều đó chỉ khác với ý mình hay là không đúng theo Lời Chúa dạy. Nếu những điều chúng ta không thích nơi người bạn đời không đi ngược với Lời Chúa dạy thì có lẽ chúng ta cần thay đổi chính mình và chấp nhận người bạn đời để vợ chồng có thể sống với nhau trong yêu thương, hài hòa và hiệp nhất (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành